Nam bạn cùng lớp thời trung học, ngày ấy rất thích tôi, mà bị mấy ông anh tôi cứ chế giễu: "Con trai mà giỏi văn thường lãng mạn và không mạnh mẽ, con gái mà chọn dạng người yêu này chỉ có rước khổ vào thân". Khi đó do còn nhỏ tôi cũng chưa dám nghĩ tới chuyện hẹn hò . Rồi tốt nghiệp trung học bạn bè tứ tán mỗi người mỗi hướng, chúng tôi mất liên lạc luôn.
Tôi chỉ nghe bạn bè nói Nam lên Sài Gòn học đại học , còn tôi sau khi học xong khóa sư phạm mẫu giáo ở tỉnh đi dạy một thời gian, vì lý do sức khỏe nên nghỉ rồi cũng chuyển lên Sài Gòn trông con cho ông anh.
Một lần về quê nghỉ tết chúng tôi tình cờ gặp lại nhau, khi đó cả hai đều ở ngưỡng tuổi 40, được biết Nam hiện đang làm cho một công ty truyền thông ở Sài Gòn và cũng chưa có bến đỗ. Sau lần gặp gỡ đó, về lại Sài Gòn chúng tôi thường xuyên liên lạc nhau, cuối tuần Nam đến nhà tôi chơi và tỏ tình cùng tôi.
Anh nói ở cơ quan nhiều cô thích anh, mà anh chỉ nghĩ đến tôi thôi, có lẽ tôi và anh có duyên từ kiếp trước, chứ không chỉ là tình yêu đơn thuần. Tôi từng tuổi này mà gặp người có thể nói "trai tơ", biết gốc gác mà nghề nghiệp đàng hoàng ngõ lời yêu thương còn gì nữa mà lựa chọn. Vậy mà, cả gia đình tôi lại phản đối kịch liệt , họ cho rằng tôi tài sắc đều kém cỏi mà lớn tuổi nữa, đàn ông dù tuổi 40 vẫn có thể cưới được nhiều cô trẻ đẹp có nghề nghiệp ổn định, chứ không thể có một tình yêu vĩ đại nào mà vượt qua tất cả, để mắt đến một người như tôi.
Họ nghi ngờ Nam đến với tôi vì nghĩ gia đình tôi vẫn còn giàu có như ngày xưa nên muốn "đào mỏ". Tôi buồn, khóc và giận cả gia đình, đòi chết nếu họ không ủng hộ cuộc tình của mình, cuối cùng gia đình cũng chiều ý tôi nhưng với điều kiện: "Sướng khổ gì tôi cũng ráng mà chịu!" .
Đám cưới diễn ra sau nửa năm tại quê, họ hàng hai bên bạn bè cùng cơ quan anh về dự rất đông vui. Sau ngày cưới chúng tôi trở về Sài Gòn sống trong khu nhà tập thể của cơ quan anh. Và, tôi khá bất ngờ ngày đầu tiên anh đi làm lại sau tuần trăng mật . Sáng đó tôi còn đang ngủ anh đánh thức tôi dậy bảo tôi thay đồ anh chở đi làm.
Tôi mắt chữ A mồm chữ O chưa hiểu chuyện gì thì anh giải thích: "Em phải đi giờ hành chánh như vậy, để các bạn cùng cơ quan anh không nghĩ em ăn không ngồi rồi". Hơi bất bình nhưng tôi cũng miễn cưỡng nghe theo. Xuống nhà xe bạn bè anh chào hỏi, ghẹo anh lúc này kiêm luôn xe ôm đấy à, anh tươi cười đáp trả: " Ừ, phải chở bả đi làm chớ". Tôi thì ngượng chín người vì mình có đi làm việc gì đâu.
Ra khỏi nhà xe, anh nói tôi đến siêu thị và ở đó đến 5 giờ chiều anh đón về. Và cứ thế ngày nào cũng vậy, hôm thì lang thang ở siêu thị, hôm thì ở các chợ hoặc quán cà phê …Tôi vốn ốm yếu không có sức khỏe lại phải bị hành xác mỗi ngày bên ngoài không chỗ nghỉ ngơi, nên chỉ trong vòng 2 tháng mà người tiều tụy hẳn, người quen ai cũng quở.
Khi không chịu nổi cảnh đầu đường xó chợ cả ngày nữa, tôi đề nghị chuyển ra ngoài thuê nhà ở. Anh buồn buồn nói ở vậy chi phí cao, mà trước mắt cũng phải cần một ít tiền để cọc nhà và sắm sửa một ít vật dụng gia đình mà giờ anh không có tiền. Tôi nói lúc đám cưới ba mẹ tôi cho hơn 100 triệu làm vốn đang gửi ngân hàng , giờ rút tiền ra trang trải rồi từ từ dành dụm lại, anh đồng ý.
Từ ngày có tổ ấm, tôi thật sự mới biết thế nào là hạnh phúc. Anh đi làm, tôi chỉ việc ở nhà lo cơm nước cho anh nhưng chẳng bao lâu số tiền "hồi môn" của tôi cũng ra đi hết. Anh lại ủ dột than rằng tiền nhà trọ ngốn hết tiền lương của anh, rồi anh nói xa nói gần giá mà có một căn nhà thì đỡ biết mấy.
Tôi không hiểu ý anh, nên cứ khuyên anh vợ chồng mình ráng tiết kiệm. Một hôm anh đi làm về rất trễ say bí tỉ, anh hỏi tôi tại sao đến giờ mà ba mẹ chưa cho nhà, anh nói lúc gặp tôi thấy các anh chị tôi ở Sài Gòn đều có nhà nên nghĩ tôi cũng sẽ có phần nên mới có ý định đến với tôi, nhưng giờ cưới nhau cả năm rồi mà không có động tĩnh gì, anh hết chịu nổi cảnh sống này rồi. Tôi choáng váng rồi tự nhủ có lẽ do cơn say thôi chứ thực tâm anh không phải là người như vậy. Nhưng, hôm sau khi tỉnh rượu anh vẫn nhắc lại chuyện đó...
Căn nhà mơ ước của anh không được đáp ứng, anh ghẻ lạnh với tôi đi sớm về muộn, có khi bỏ nhà đi cả tháng mà không nói năng gì. Trông khi tiền nhà loay hoay là tới tháng phải trả, mà anh còn không đưa tiền lương cho tôi nữa. Tôi khổ quá, giờ không biết phải làm sao?
Tác giả: Lý Anh Thoại
Nguồn tin: Báo Người Lao Động
Nguồn tin: Báo Người Lao Động