Pháp luật

Tội 'Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước' phải chịu mức án nào?

Luật sư cho rằng, người phạm tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” có thể đối diện với mức án cao nhất là 15 năm tù.

Liên quan đến việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tối 28/8, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, được xác định là tội phạm theo quy định tại điều 337 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của bộ luật này (tội gián điệp) thì bị phạt tù từ 2 năm đến 15 năm.

Luật sư Quách Thành Lực cho biết, bí mật Nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật Nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Ông Nguyễn Đức Chung.

Phạm vi bí mật Nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc trong các lĩnh vực sau: Chính trị; quốc phòng, an ninh, cơ yếu; lập hiến, lập pháp, tư pháp - hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; khởi tố, điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án hình sự; đối ngoại.

Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật.

Theo đó, bí mật Nhà nước độ tuyệt mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bí mật Nhà nước độ tối mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bí mật Nhà nước độ mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Như VTC News đưa tin, ngày 28/8, Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (SN 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội) về hành vi "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh nêu trên. Hiện Cơ quan An ninh điều tra khẩn trương làm rõ hành vi sai phạm của các bị can trong vụ án.

Chiều 11/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội "để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật".

Cùng ngày, Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung.

Tối 11/8, trả lời VTC News, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an xác nhận việc đơn vị đang chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ 3 vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Vụ thứ nhất là "Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn và thương mại Nhật Cường.

Vụ án thứ hai là "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Vụ án thứ ba là "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" xảy ra tại Hà Nội.

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước:

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 2 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tác giả: Tùng Lâm

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP