►Bài toán lớp 4 yêu cầu đổi tấn ra giây
Không chỉ đổi tấn mà đổi cả km ra... giây
Trong đề bài trên đây, ngoài ý kiến của phụ huynh chỉ ra điểm bất hợp lý khi yêu cầu học sinh đổi tấn ra giây, tôi thấy đề bài còn yêu cầu đổi cả 1km12m = ? giây. Đây cũng là bất hợp lý.
Trở lại bài toán yêu cầu đổi tấn ra giây, tôi có mấy ý kiến sau:
Theo tôi, với yêu cầu “Điền số thích hợp vào chỗ chấm”, có thể hiểu đây là bài toán đổi đơn vị thông thường (chương trình Toán lớp 4). Để làm bài toán này, học sinh thường tiến hành 3 bước:
Bước 1: Xác định đơn vị cần chuyển đổi
Bước 2: Xác định mối quan hệ giữa các đơn vị cần chuyển đổi
Bước 3: Chuyển đổi.
Ở bước 2: Các đơn vị phải cùng một loại. Chuyển từ đơn vị lớn hơn về đơn vị bé hơn hoặc ngược lại.
Trong ví dụ trên: 1/4 tấn và giây là hai đơn vị không cùng một loại (tấn là đơn vị đo khối lượng, giây là đơn vị đo thời gian) nên không thể chuyển đổi được.
Từ đó ta thấy ngay rằng, yêu cầu của đề Toán là không hợp lý. Đây là một đề bài sai. Ai đó cho rằng, đề bài là một sự sáng tạo thì đó là một sự sáng tạo tùy tiện, phản giáo dục.
Các yêu cầu của một đề Toán tiểu học
Các bài toán khi xây dựng cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau:
Nội dung đáp ứng được yêu cầu của bài dạy
Bài này yêu cầu học sinh biết cách đổi đơn vị của cùng một loại.
Phù hợp với trình độ học sinh
Ở bài toán trên, yêu cầu đổi 1/2 thế kỷ ra giây vượt quá trình độ học sinh lớp 4.
Bài toán phải đầy đủ dữ kiện
Câu hỏi phải rõ ràng, đầy đủ ý nghĩa
Bài toán phải không có mâu thuẫn
Số liệu phải phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khoa học
Hành văn trong sáng, câu văn chuẩn mực.
Đề bài không tuân thủ các nguyên tắc đó, ngoài việc không đáp ứng được các yêu cầu, mục đích giáo dục còn làm học sinh mất thì giờ, gây tâm lý hoang mang, lo lắng không cần thiết.
Toán tiểu học ở Việt Nam chưa hề có dạng câu hỏi mở
Có nhiều nhận xét cho rằng, đề bài hỏi như trên là dạng câu hỏi mở, có tác dụng tránh lối mòn, kích thích sự sáng tạo của học sinh. Thực ra, bản thân đề bài trên không có yếu tố nào là “mở”. Tính đến hiện tại, đề toán tiểu học cần đáp ứng các yêu cầu ở trên, tức là đang “đóng”, chưa hề có dạng câu hỏi “mở”.
Ở nhiều nước, có nhiều hình thức câu hỏi khác nhau, trong đó có câu hỏi mở. Có thể lấy vài ví dụ:
Bài toán 1: Chung cư nhà bạn A ở có tất cả 20 tầng. Hỏi tòa chung cư đó cao bao nhiêu mét?
Có thể thấy rõ ràng đề bài thiếu giả thiết (mỗi tầng cao bao nhiêu mét). Để giải bài toán “mở” này, học sinh cần căn cứ vào thực tế và có lời giải thích thuyết phục là được.
Chẳng hạn, học sinh có thể cho rằng, mỗi tầng khoảng 3,6m nên 20 tầng sẽ có chiều cao là 20 x 3,6 = 72m.
Bài toán 2: Thành tích chạy 100m nam tại các kỳ Olympic mùa Hè:
2012: 9,63''
2008: 9,69''
2004: 9.85''
2000: 9.87''
1996: 9.84''
1992: 9.96''
Hãy đưa ra hai lý do mà em cho rằng thời gian chạy qua các năm đang giảm dần.
Để trả lời, học sinh chỉ cần nêu ra hai lý do hợp lý là được.
Chẳng hạn như: Sức khỏe con người tốt hơn, phương pháp khoa học hơn, giầy chuyên dụng hơn, chân dài hơn, đường chạy tốt hơn,…
Để có những bài toán “mở” như thế, cần có quy định chặt chẽ về nội dung, hình thức câu hỏi, cách chấm bài, cách đánh giá năng lực học sinh,.. Bên cạnh đó, dù là “mở” thì học sinh cũng phải được hướng dẫn, được làm quen để có những câu trả lời đạt yêu cầu.
Dạng câu hỏi này hiện nay chúng ta chưa thực hiện. Có chăng phải đợi đến khi có sách giáo khoa và chương trình mới, sau năm 2018.
Bởi vậy, tôi đề nghị các thầy cô cần cân nhắc kỹ lưỡng về đề bài trước khi cho học sinh làm. Chúng ta cần một đề toán trong sáng, khoa học, đáp ứng được các yêu cầu giáo dục, đặc biệt là các đề toán tiểu học.
Tác giả bài viết: Trần Mạnh Tùng, Gv Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội
Nguồn tin: