Bắc Ninh thúc thẩm định, phê duyệt Dự án thành phần Sân bay Gia Bình
UBND tỉnh Bắc Ninh mới đây đã đã ban hành văn bản 3914/UBND-XDCB về việc thẩm định, phê duyệt Dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng Sân bay Gia Bình.
Văn bản số 3914 nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Công an phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Xây dựng sân bay Gia Bình (không bao gồm phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng) và UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao rõ người Quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng là Bộ Công an và người Quyết định đầu tư Dự án thành phần thuộc Dự án Sân bay Gia Bình là UBND tỉnh Bắc Ninh.
Sân bay Gia Bình thuộc Trung đoàn Không quân Công an Nhân dân có địa phận tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh trên diện tích 1,25 km2. Ảnh được vẽ theo bản đồ quy hoạch và có độ chính xác tương đối. Ảnh: Ngọc Đẹp |
Để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Sân bay Gia Bình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng khẩn trương tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; thẩm định Dự án thành phần thuộc Dự án Sân bay Gia Bình, trình UBND tỉnh phê duyệt chậm nhất trong ngày 21/10/2024.
Dự kiến, Quốc hội sẽ bố trí 1.000 tỷ đồng cho Bộ Công an thực hiện dự án Sân bay Gia Bình. Trước đó, trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ ban hành hồi tháng 6 năm 2023 nêu rõ:
Thường trực Chính phủ đồng ý xem xét, bổ sung Sân bay Gia Bình của Bộ Công an vào danh mục các sân bay tiềm năng và duyệt quy hoạch bổ sung chính thức khi đủ điều kiện, đúng thẩm quyền để thực hiện ngay.
Sân bay Gia Bình được quy hoạch thế nào?
Bộ Công an cho biết kế hoạch xây dựng Cảng hàng không Gia Bình tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, là để phục vụ hoạt động của lực lượng Không quân Công an nhân dân.
Cảng hàng không Gia Bình sẽ được xây dựng tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, có diện tích dự kiến 125 ha, và sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới hàng không quốc gia như là một sân bay chuyên dụng.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sân bay Gia Bình nằm trong danh sách các cảng hàng không, sân bay tiềm năng. Ảnh: Ngọc Đẹp |
Sân bay này dự kiến cách Hồ Gươm (thành phố Hà Nội) và thành phố Bắc Giang khoảng 40 km, cũng như chỉ cách thành phố Bắc Ninh và thành phố Hải Dương khoảng 25 km.
Công trình sẽ được xếp hạng là sân bay trực thăng cấp 3, sân bay quân sự cấp 3 và sân bay dân dụng cấp 3C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Sân bay đề xuất có một đường băng kích thước 1.500mx36m, một đường lăn song song và các sân đỗ phù hợp cho hai phi đội trực thăng của trung đoàn, cùng với các cơ sở điều hành bay khác.
Nhiệm vụ cốt lõi của Sân bay Gia Bình là phục vụ đào tạo bay và tính chiến đấu cho các đơn vị của Trung đoàn Không quân Công an nhân dân trên các loại máy bay trực thăng. Sân bay này cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động bay quân sự khác và một số hoạt động hàng không dân dụng.
Ngoài ra, Sân bay Gia Bình cũng sẽ đóng vai trò như một sân bay dự bị cho các hoạt động bay quân sự và dân sự khác, đáp ứng các tiêu chuẩn cho phép máy bay hạ cánh và cất cánh an toàn.
Ảnh minh họa sân bay Gia Bình trong tương lai do ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra. |
Sân bay Gia Bình cũng có khả năng tham gia vào việc phục vụ các ngành công nghiệp khác nhau như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và du lịch, cũng như thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp, nghiên cứu khoa học và văn hóa, và phục vụ các mục đích cá nhân hoặc tổ chức khác không phục vụ để vận chuyển hành khách công cộng.
Trong trường hợp được phép, Sân bay Gia Bình có thể phục vụ như một điểm dự bị cho các sân bay trong khu vực khi có tình huống khẩn cấp, với khả năng đón nhận các loại máy bay như ATR 72 hay trực thăng Mi-8, Mi-171 và máy bay vận tải Casa-295, đồng thời có thể đảm bảo cho các loại máy bay chiến đấu như Su-27 và Su-30 cất cánh và hạ cánh trong các tình huống khẩn cấp cần thiết.
Bắc Ninh là tỉnh dẫn đầu tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP năm 2022, đạt 46,7%. GRDP của Bắc Ninh cũng xếp thứ 8 cả nước trong khi lại có diện tích nhỏ nhất cả nước, chỉ 822,7 km2, nằm ở phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội, thuộc Đồng bằng sông Hồng. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bắc Ninh đạt 5,44 triệu đồng/người/tháng, đứng thứ 5 toàn quốc, là một trong những tỉnh giàu top đầu Việt Nam. |
Tác giả: Thái Hà
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn