Cùng chịu áp lực bán tháo trên diện rộng, cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ giảm sàn trong phiên giao dịch 2/7 xuống còn 11.300 đồng/cp.
So với 6 tháng trước đó, cổ phiếu HSG đã giảm tổng cộng 55%. So với 1 năm trước đó, cổ phiếu của ông Lê Phước Vũ đã giảm 65%, từ mức trên 30.000 đồng/cp xuống đáy nhiều năm và sắp trở về mệnh giá.
Vốn hóa doanh nghiệp nhà ông Lê Phước Vũ đã bốc hơi khoảng 6.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian khá ngắn trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) đang điều chỉnh giảm khá mạnh và những diễn biến trên thị trường tài chính và tiền tệ thế giới không thuận.
Cổ phiếu HSG của nhà ông Lê Phước Vũ "bốc hơi" hơn một nửa giá trị còn do chịu áp lực bị kiện phòng vệ thương mại. Phần lớn thị trường xuất khẩu ngành thép của Việt Nam đang dính tới áp lực bị kiện phòng vệ thương mại hoặc bị điều tra chống bán phá giá.
|
Các doanh nghiệp thép Việt gần đây chịu nhiều tác động tiêu cực từ những chính sách thuế của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định áp mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên tới hàng trăm phần trăm đối với các sản phẩm thép của Việt Nam, sau khi vừa áp thuế nhập khẩu 25% đối với sản phẩm thép từ gần như tất cả các nước.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với nhiều loại sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.
Gần đây, Indonesia cũng đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá, tăng thuế hơn gấp đôi đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam trong 5 năm với nghi ngờ sản phẩm tôn màu Việt nhập nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc để sản xuất.
Hiện ngành thép Việt Nam cũng đang phải đối mặt nhiều vụ kiện chống bán giá, chống trợ cấp từ các quốc gia khác như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan,…
Không chỉ HSG, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long cũng chịu tác động tiêu cực. Cổ phiếu này giảm mạnh từ mức 48.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) hồi đầu tháng 3 xuống còn 38.000 đồng/cp như hiện tại.
TTCK Việt Nam đang ở trong giai đoạn nhạy cảm, chịu áp lực rút vốn từ xu hướng rút vốn chung trên toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt cũng chịu áp lực lớn khi đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh so với đồng USD, ở mức cao hơn nhiều so với tốc độ giảm giá của đồng VND với USD. Giới đầu tư cũng lo ngại khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng chu kỳ 10 năm 1 lần.
Trong phiên 2/7, TTCK giảm mạnh, có lúc giảm hơn 28 điểm. Chỉ số VN-Index về sát 930 điểm. Tuy nhiên chốt phiên VN-Index chỉ còn giảm gần 14 điểm do một số cổ phiếu trụ cột như Vinamilk, Sabeco, Vietcombank tăng điểm.
Mặc dù vậy, đa số các cổ phiếu vẫn giảm giá, trong đó có những mã đáng chú ý như HSG của ông Lê Phước Vũ, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chứng khoán HCM, Chứng khoán VCI, cổ phiếu mới lên sàn Yeah1 (YEG),...
Một số CTCK cho rằng, TTCK có thể phục hồi ngắn hạn trong phiên giao dịch ngày 3/7 nhờ tín hiệu mua ròng trở lại của khối ngoại trong phiên trước đó. Tuy vậy, nhiều khả năng nhịp hồi này chỉ mang tính kỹ thuật và chưa vững chắc.
SHS nhận định, rủi ro thị trường có phần gia tăng hơn so với trước, nhưng sẽ có những phiên hồi phục kỹ thuật đan xen giúp nhà đầu tư có thể cơ cấu danh mục an toàn hơn. Dự báo, trong phiên giao dịch 3/7, VN-Index có thể sẽ hồi phục kỹ thuật với mục tiêu là ngưỡng kháng cự tâm lý tại 950 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch 2/7, VN-index giảm 13,63 điểm xuống 947,15 điểm; HNX-Index giảm 3,4 điểm xuống 102,76 điểm. Upcom-Index giảm 1,14 điểm xuống 50,84 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4,8 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet