Sản xuất gỗ dăm tại công ty gỗ Hoàng Hưng |
Gian nan xin hoàn thuế
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, việc chậm trễ hoàn thuế hiện nay xuất phát từ hướng dẫn của Tổng cục Thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, do đó yêu cầu các cục thuế địa phương phối hợp với các cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… tăng cường giám sát trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.
Ngoài ra, các yêu cầu chi tiết của cơ quan thuế về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều này khiến thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp kéo dài. Có hồ sơ doanh nghiệp nộp đến 2 năm cũng không nhận được phản hồi dù quy định thời gian hoàn thuế không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ.
Đại diện Công ty TNHH Hào Hưng (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu ván dăm, viên nén và ván ghép thanh) cho biết, công ty đang khốn khó vì thủ tục hoàn thuế VAT kéo dài. Quá trình thu mua dăm gỗ của các doanh nghiệp xuất khẩu qua rất nhiều khâu, nên doanh nghiệp chỉ có thể truy xuất được 1-2 chủ thể trước họ, chứ không thể truy xuất đến tận cùng (F0). Do đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác (F0) không khác gì “mò kim đáy bể”.
Ông Thang Văn Thông, đại diện Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, cho rằng nếu việc hoàn thuế VAT vẫn vướng như hiện nay và không có hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp ngành gỗ sẽ bị mất niềm tin.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát lại các vướng mắc để gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo dòng tài chính để doanh nghiệp ký kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng với doanh nghiệp thương mại, Hiệp hội đề nghị cho phép hoàn thuế VAT vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật, Hiệp hội đề nghị kiểm tra và xử lý theo quy định.
Ngoài ra, tổ chức này cũng đề nghị Bộ Tài chính đưa mặt hàng gỗ ra khỏi nhóm những mặt hàng rủi ro cao trong việc hoàn thuế vì theo quy định của Luật Lâm nghiệp, gỗ rừng trồng là gỗ hợp pháp. “Nếu tình trạng hoàn thuế VAT còn kéo dài và chưa có hướng xử lý, Hiệp hội đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng này, để tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế VAT gian lận ngân sách nhà nước, tác động xấu tới các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính; hoặc có chính sách để doanh nghiệp đóng thuế thay ở khâu chế biến gỗ trung gian với mức 1,5% và doanh nghiệp được phép hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp”, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay.
Cần áp dụng cơ chế đặc biệt
Là người trực tiếp tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, nhấn mạnh việc cơ quan chức năng cho rằng chưa đủ cơ sở hoàn thuế, mặc dù doanh nghiệp chứng minh hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng thương mại, đối tác đã trả tiền, dẫn tới khoản hoàn thuế tương đối lớn, nếu tồn 2-3 năm thì doanh nghiệp rất khó khăn trong việc cân đối dòng tiền, thậm chí có đơn hàng đã bị huỷ, có doanh nghiệp phải tính dừng sản xuất. VCCI đề xuất đối với thương vụ đã được xác minh, được cơ quan công quyền kiểm tra và có kết luận không đủ yếu tố vi phạm thì cần được hoàn thuế. Đồng thời, với những vướng mắc, điểm nghẽn thì cơ quan quản lý cần ngồi cùng doanh nghiệp để tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp, tránh ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, để gỡ khó cho doanh nghiệp về dòng tiền, cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính tìm cách đẩy nhanh việc hoàn thuế VAT. “Bộ Tài chính kiểm tra, đôn đốc Tổng cục Thuế đẩy nhanh việc hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, người dân”, Thủ tướng yêu cầu.
Cuối tuần qua, một số doanh nghiệp dăm gỗ đã tham gia buổi đối thoại trực tiếp với Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh nhằm tháo gỡ những khó khăn trên. Ngay sau buổi đối thoại, ông Thang Văn Thông, đại diện Chi hội dăm gỗ Việt Nam, cho biết cơ quan thuế tỉnh Quảng Ninh nói sẽ ghi nhận những bất cập, khó khăn của doanh nghiệp, sau đó báo cáo lên Tổng cục Thuế. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp dăm gỗ sẽ tiếp tục phải chờ…
Báo cáo khảo sát tình hình doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) đã nêu ra thực trạng bức tranh kinh tế có nhiều màu xám khi trên 82% đơn vi dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh; hơn 81% đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là thiếu đơn hàng (59,2%); tắc nghẽn dòng vốn (51,2%); gặp vấn đề về thủ tục hành chính (45%). “Nhiều doanh nghiệp đang phải đi vay trong khi tiền hoàn thuế tồn đọng nhiều, thậm chí 3 năm chưa được giải quyết hoàn”, Ban IV chỉ ra.
Trước thực tế trên, ông Thang Văn Thông kiến nghị: Tổng cục Thuế cần có động thái gỡ khó cho doanh nghiệp, thay thế công văn yêu cầu xác minh, đối chiếu nguồn gốc mặt hàng gỗ dăm, gỗ thành phẩm nhằm bảo đảm việc giải quyết hoàn thuế đã được ban hành trước đó. Cụ thể, Tổng cục Thuế có thể cho phép cục thuế địa phương truy xuất từ người phát sinh thuế - doanh nghiệp chế biến gỗ. Đồng thời, Tổng cục cho phép hoàn thuế VAT đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng thương mại vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng được điều kiện hoàn thuế.
“Nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng từ trước tới nay, nên được tiếp tục áp dụng hoàn thuế như trước, kiểm tra sau. Doanh nghiệp có công ty, có báo cáo doanh thu, doanh số hàng năm, biết địa chỉ rõ ràng thì cần được hoàn thuế nhanh, bởi nếu vẫn áp dụng theo văn bản cũ thì cục thuế địa phương không dám làm, vì làm thì phải chịu phải trách nhiệm nếu sai phạm”, ông Thông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ban IV đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan liên quan xem xét hoàn thuế sớm, tránh kéo dài như hiện nay để doanh nghiệp có thể bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh. Theo đó, có thể xem xét một số cơ chế đặc biệt như cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm tra rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.
Tác giả: Kỳ Thư
Nguồn tin: vietnamfinance.vn