Trong tỉnh

Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Buổi gặp mặt diễn ra tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Lê Minh Khái – Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; các doanh nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Tham dự buổi gặp mặt tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Bùi Thanh An – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành; đại diện các Hội doanh nghiệp và các doanh nhân.

Quang cảnh buổi gặp mặt tại điểm cầu Nghệ An

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thay mặt cộng đồng doanh nghiệp trân trọng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và chính quyền các cấp, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành đã rất quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, gỡ dần được nhiều nút thắt lớn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết mới với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp để phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Dịp này, đồng chí Phạm Tấn Công cũng đã báo cáo nhanh một vài tâm tư, nguyện vọng chính của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của kinh tế thế giới; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, GDP tăng 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%. Nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài đã được tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Tính riêng trong quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm, chúng ta có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022. Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách… Doanh nghiệp trong một số ngành trọng điểm có tín hiệu phục hồi khả quan, đóng góp tích cực cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Các đại biểu dự buổi gặp mặt tại điểm cầu Nghệ An

Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen như: FPT, Viettel, PVN, hay Tập đoàn Green Solutions với dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam. Công ty VinFast đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq Global Select Market. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn, tiêu biểu như: Vinamilk, Vĩnh Hoàn, Việt Nam Food…, qua đó đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, các doanh nhân đều bày tỏ niềm vui khi được Thủ tướng Chính phủ mời gặp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đồng thời cảm ơn sự đồng hành chính của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc luôn sát cánh cùng các Tập đoàn, doanh nghiệp phát triển.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chuyển lời chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các doanh nghiệp, doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trưởng thành về cả số lượng, chất lượng, khát vọng và hiệu quả. Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước; xây dựng nước Việt Nam ngày càng hùng cường thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no; đưa nhiều thương hiệu Việt ra quốc tế; nâng cao giá trị Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp nhiều vào thực hiện các chương trình an sinh xã hội...

Thủ tướng Chính phủ đã thông tin cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước, chính sách đối ngoại của Việt Nam đến đội ngũ doanh nhân. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn. Đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tập trung vào 3 động lực tăng trưởng “Xuất khẩu - tiêu dùng - đầu tư".

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ cụ thể hóa Nghị quyết số 41 bằng các chương trình hành động để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới lành mạnh, ổn định, có cống hiến cho dân tộc, quốc gia. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh trật tự. Phát triển đối ngoại tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung chuyển đổi số, chính phủ số để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường với tiêu chí lành mạnh, an toàn, dân chủ, công khai, minh bạch.

Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại khó khăn của các doanh nghiệp; có kế hoạch giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chính phủ thành lập các Tổ công tác để rà soát, đề xuất Quốc hội sửa đổi các quy định pháp luật không còn phù hợp. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để nguồn vốn này là động lực phát triển kinh tế; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng các cơ chế khuyến khích để phát triển các ngành mới nổi.

Đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng năng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế; phát huy tính sáng tạo, chủ động, liên kết với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Phát triển đảng trong doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, phẩm chất đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nhân đủ tâm, đủ tầm; đề cao đạo đức doanh nhân, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước và doanh nghiệp...

Người đứng đầu Chính phủ cam kết luôn sát cánh đồng hành cùng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn với Đảng, Nhà nước; nắm bắt cơ hội, hóa giải khó khăn, xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP