Kinh tế

Thực hư thông tin Coca-Cola Việt Nam bị thâu tóm

Liên quan việc báo chí nước ngoài đưa tin tập đoàn Swire Pacific của Anh có kế hoạch mua lại hoạt động sản xuất của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia với giá 1,015 tỉ USD, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết thông tin này chưa chính xác

Ngày 19-7, trao đổi phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Coca-Cola Việt Nam khẳng định mọi hoạt động của Coca-Cola tại Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, không có gì thay đổi.

Theo đại diện Coca-Cola Việt Nam, đối tác mua lại phần đóng gói và phân phối vẫn là thành viên cùng chung hệ thống Coca-Cola, họ cũng có cổ phần trong tập đoàn Coca-Cola toàn cầu. Do đó, đây thực chất là việc chuyển giao trong nội bộ để thuận lợi cho việc phát triển thị trường mục tiêu mà cả hai đối tác hướng tới.

"Việt Nam có thị trường nước giải khát ổn định và phát triển. Do đó, không có lý do gì Coca - Cola Việt Nam phải thay đổi chủ sở hữu" - đại diện Coca-Cola Việt Nam nhấn mạnh.

Một nhà máy của Coca-Cola tại Việt Nam

Trước đó, truyền thông quốc tế đã đăng tải thông tin về Tập đoàn Swire của Anh, có trụ sở tại Hồng Kông, sẽ mua lại hoạt động đóng gói và phân phối của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia nhằm mở rộng sang thị trường đồ uống khu vực Đông Nam Á. Thương vụ này trị giá hơn 1 tỉ USD, dự kiến hoàn thành trong vòng 6 tháng.

Liên quan tới việc Coca-Cola Việt Nam chuyển lại phần đóng gói và phân phối các sản phẩm tại Việt Nam và Campuchia cho đối tác, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết giới sản xuất, kinh doanh ngành hàng đồ uống hoàn toàn không bất ngờ về việc Coca Cola Việt Nam sắp có chủ mới. Lý do là Tập đoàn Coca Cola chỉ sở hữu trực tiếp một số nhà máy sản xuất trên toàn cầu, còn lại đều bán lại nhà máy tại các thị trường họ đặt nhà máy sản xuất. Tập đoàn này bán nhà máy và hệ thống phân phối nhưng kiểm soát chặt về chất lượng, thương hiệu, quảng cáo và truyền thông để bảo đảm tính xuyên suốt và nhất quán trên toàn cầu.

"Coca Cola vào Việt Nam theo đường đầu tư trực tiếp thông qua thương vụ mua lại nhà máy Sài Gòn Cola của nữ doanh nhân Tư Hường năm 1994. Chỉ 5 năm sau, công ty đã đấu thầu để sang nhượng lại toàn bộ vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam và chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài" – chuyên gia Võ Văn Quang chia sẻ.

Tác giả: Ng.Hải - Th.Nhân

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP