Kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thất thoát đất đai rất lớn

Sáng 28/3, quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc huy động nguồn lực từ đất đai vẫn còn hạn chế. Sau 35 năm đổi mới và nhất là 10 năm trở lại đây, thất thoát đất đai rất lớn.

Khu đất công 8A Nguyễn Trung Trực , quận 1, TPHCM bị chuyển thành đất của Công ty CP XD Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: T.P

Giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại một số kết quả nổi bật của kinh tế, xã hội đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó, GDP bình quân đầu người năm 2020 của nước ta đạt trên 3.500 USD. Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới,được đánh giá là 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, đó là việc thực hiện các đột phá chiến lược còn chậm, nhất là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. “Thất thoát đất đai của chúng ta sau 35 năm đổi mới và nhất là trong 10 năm trở lại đây còn rất lớn”, Thủ tướng nói. Đặc biệt, theo Thủ tướng, tính thượng tôn pháp luật chưa được đề cao, kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm. Phương thức lãnh đạo quản lý xã hội ở nhiều nơi, nhiều chỗ chưa thực sự phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; còn biểu hiện cơ chế xin cho, “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”.

Nhấn mạnh những nội dung trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025, Thủ tướng cho rằng, việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. “Yêu cầu đặt ra là trong khó khăn phải thay đổi cách làm, đổi mới tư duy phát triển, với niềm tin khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá và rút ngắn khoảng cách phát triển”, Thủ tướng nói.

Phan Văn Anh Vũ

Đề cập ba đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, nhất là giao thông, năng lượng và hạ tầng số có ý nghĩa quan trọng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc, các sân bay trọng điểm lớn được đầu tư hiện đại.

Trong phát triển kinh tế vùng, Thủ tướng cho biết sẽ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, thúc đẩy liên kết phát triển vùng; xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính có lợi thế cơ chế chính sách, có những đột phá cạnh tranh quốc tế. “ Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Đặc khu, nhưng hồi đó nhận thức còn nhiều vấn đề, chúng ta chưa làm tốt công tác hướng dẫn dư luận cho nên chúng ta chưa thành công. Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu vấn đề này”, Thủ tướng nói. Đối với việc phát triển đô thị, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm nhìn dài hạn để hình thành chuỗi đô thị phía Bắc, Nam miền Trung, hình thành đô thị vệ tinh của đô thị đặc biệt. “Vừa qua, chúng tôi đã đề xuất với Ban Chấp hành T.Ư nên đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở”, Thủ tướng cho biết.

Tác giả: Văn Kiên

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP