Kinh tế

Thủ tướng: Không sao chép y nguyên thông tư cũ sang nghị định mới

Từ 1/7 tới, tất cả những điều kiện kinh doanh ở cấp thông tư sẽ mặc nhiên vô hiệu lực nếu như không được nâng cấp thành nghị định. Tuy nhiên, trong công tác rà soát, Thủ tướng quán triệt với các bộ, ngành không được sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới

Kiên quyết bỏ hơn 3.500 giấy phép con quấy rầy doanh nghiệp

Trong ngày hôm nay (23/6), Chính phủ sẽ dành trọn một ngày họp về chuyên đề xây dựng pháp luật do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Đây là cuộc họp có tính chất quan trọng khi chỉ 1 tuần tới (ngày 1/7/2016), các quy định về điều kiện kinh doanh tại các thông tư cấp bộ đều đã phải được nâng lên cấp nghị định của Chính phủ. Dự kiến, có khoảng hơn 3.500 điều kiện kinh doanh trái luật sẽ bị loại bỏ.

Trước sự có mặt của các lãnh đạo bộ, ngành tại cuộc họp sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần là "không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới".

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý rằng, Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản đó như thế nào. Không phải chạy theo số lượng mà là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2016. Ảnh: VGP


Nhấn mạnh “với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”, tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, “không thể bỏ qua các mặt trái của kinh tế thị trường, không thể buông hết sự quản lý của Nhà nước bởi như vậy sẽ dễ bị lạm dụng”.

Báo cáo tại cuộc họp về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 và các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, đến nay đã ban hành 21 văn bản và còn 30 văn bản phải ban hành. Trong đó, số văn bản đã trình Chính phủ là 26 văn bản, số văn bản chưa trình Chính phủ là 4 văn bản.

Về cơ bản, các bộ, cơ quan đã trình các văn bản quy định chi tiết theo tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Ông Dũng khẳng định, việc soạn thảo các văn bản đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số văn bản mặc dù được phép áp dụng thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải bảo đảm thủ tục bắt buộc lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản.

Ngoài các văn bản nói trên, từ nay đến hết năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành 37 văn bản quy định chi tiết thi hành 6 luật, cùng với 5 văn bản nợ đọng của 6 tháng đầu năm chuyển sang, tổng số văn bản cần ban hành sẽ là 42 văn bản.

Kể từ ngày 1/7/2016, khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực, theo Văn phòng Chính phủ, cần phải ban hành kịp thời tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh bởi theo quy định của Luật này, các văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực khi luật, pháp lệnh hết hiệu lực.

"Nếu không ban hành kịp thời sẽ tạo khoảng trống pháp lý tác động rất lớn đến công tác quản lý điều hành và thực hiện các quyền con người, quyền công dân và môi trường đầu tư kinh doanh", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Trước đó, trong một hội thảo tổ chức vào tuần trước, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra thống kê cho thấy, đến ngày 31/5/2016, trong tổng số 49 nghị định thì đã có 38 nghị định được trình Chính phủ, còn 11 nghị định chưa trình. Trong số đó, chỉ có 24 nghị định lấy ý kiến VCCI và có tới 44 nghị định được Bộ Tư pháp thẩm định chỉ trong 1 tuần.

Tại hội thảo trên, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, VCCI phản ánh, do thời hạn gấp nên nhiều nghị định được xây dựng mà không đăng dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến doanh nghiệp, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.

Điều này làm dấy lên những lo ngại về chất lượng các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sắp được ban hành vào thời gian tới khi các bộ, ngành ồ ạt "nâng cấp" thông tư lên nghị định một cách "cơ học". Trong khi đó, để sửa chữa quy định ở cấp nghị định sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với cấp thông tư.

Trong lần trao đổi với báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá rằng, một khi các điều kiện kinh doanh trong thông tư được nâng cấp "cơ học" lên trong nghị định thì có nguy cơ không cải thiện được môi trường kinh doanh nhiều và sau này, việc bổ sung, sửa đổi chúng cũng sẽ khó khăn và tốn kém hơn.

"Nếu các nghị định chưa được hoàn thiện theo định hướng đề ra thì sẽ phải tiếp tục rà soát. Đây là công việc liên tục, chứ không phải đến ngày 1/7 tới là thôi", ông Dũng khẳng định.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP