Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao: 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59% (trong khi ở Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU chỉ khoảng 10%).
Do vậy, việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị về logistics. Ảnh: VGP |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nói, tỷ lệ phần trăm khối lượng hàng hoá vận chuyển theo ngành vận tải năm 2016 cho thấy, vận tải đường bộ có giá thành cao nhưng chiếm tới 77,2% thị phần, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt lại chiếm thị phần rất nhỏ lần lượt là 17,14%, 5,22% và 0,02%.
Ông Công nhấn mạnh, hiện nay chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao, chưa phù hợp với thực tiễn do sự cạnh tranh không lành mạnh, giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải.
Về thành phần cấu thành chi phí vận tải, theo số liệu từ DN vận tải, trong chi phí vận tải đường bộ, xăng dầu chiếm khoảng 30-35%, phí cầu đường (BOT) bình quân chiếm khoảng 10-15%.
Trên hành lang Bắc Nam, vận tải đường sắt, đường biển đều kém cạnh tranh so với vận tải đường bộ ở các đầu mối kết nối 2 đầu và cả ở các chặng ngắn hơn trên hành lang.
Thủ tướng chủ trì hội nghị sáng nay |
Các ga bốc xếp hàng hoá ở hai đầu Hà Nội (Yên Viên, Giáp Bát) và TP.HCM (Sóng Thần) đều có diện tích kho bãi nhỏ, dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu.
Các ga trung gian hầu như chưa có ga nào có thể tiếp nhận và xử lý container.
Việc kết nối dịch vụ của đường sắt cũng còn nhiều hạn chế. Vận tải biển cũng chỉ đảm nhận một phần khối lượng vận tải giữa miền Bắc và miền Nam, còn trên các chặng ngắn hơn do lượng hàng thấp, thời gian vận chuyển dài hơn nên khách hàng chủ yếu vẫn lựa chọn đường bộ.
Thứ trưởng Công cho biết, để giảm chi phí cần phải tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải và dịch vụ logistics.
Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.
Đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng. Xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc…
Phát triển logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, vấn đề logistics đã được các cấp, các ngành triển khai trong thời gian qua nhưng khái niệm, cách xử lý còn rời rạc; chi phí còn cao, thậm chí rất cao.
“Tổ chức GTVT hiện nay mới đơn tuyến, chỉ tập trung vào đường bộ, chưa có biện pháp kết nối hiệu quả. 45% xe quay về không chở hàng, làm sao chi phí không cao”, Thủ tướng nêu thực tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí là rào cản lớn nhất với DN Việt Nam, trong đó có chi phí logistics, ảnh hưởng đến cạnh tranh của kinh tế đất nước.
Ảnh: VGP |
Việc cắt giảm chi phí cho DN, đặc biệt là chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức, thực hiện có hiệu quả với những hành động cụ thể.
Thủ tướng đề nghị cần làm rõ các giải pháp thực thi hiệu quả, kịp thời với nền kinh tế về dịch vụ logistics; kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy logistics, khắc phục tình trạng hạ tầng chưa đồng bộ, kết nối cảng, nhà ga, sân bay còn nhiều cách trở.
Tính kết nối của các loại hình vận tải còn nhiều tồn tại khi vận tải đường thủy, đường sắt chiếm thị phần rất thấp, chủ yếu vận chuyển đường bộ (gần 80%). “Mà như vậy tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hư hỏng đường sá. Chúng ta có mấy đồng bạc làm đường này, đường kia, anh chở siêu trường, siêu trọng như vậy thì đường nào chịu nổi, nếu không chuyển phương thức”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu cần có nguồn nhân lực để phát triển dịch vụ logistics. “Việc tổ chức thực hiện dịch vụ logistics hướng đến mục tiêu quan trọng là giảm chi phí, nếu không giảm thì nền kinh tế không cạnh tranh được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tác giả: Vũ Điệp
Nguồn tin: Báo VietNamNet