Trong nước

Thủ tướng: Bán vốn Sabeco là 'hình mẫu cổ phần hoá doanh nghiệp'

Thủ tướng cho rằng việc thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước sẽ đem lại lượng vốn lớn để đầu tư vào việc khác, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương sáng 15/1, một lần nữa thương vụ bán vốn Sabeco thành công, thu về cho Nhà nước 110.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD) được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu như một khuôn mẫu điển hình về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

"Bán vốn thành công tại Sabeco là một hình mẫu, khuôn khổ cho cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp Nhà nước cần sớm đẩy nhanh cổ phần hoá, niêm yết công khai trên sàn chứng khoán", Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, nếu bán vốn Sabeco từ đầu năm 2017 sẽ chỉ bán được khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ tiến hành niêm yết công khai cổ phiếu doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán, giá trị cổ phiếu đã tăng mạnh và kết quả thương vụ bán vốn 53,59% cổ phần đã đem về cho ngân sách gần 5 tỷ USD, gấp đôi dự kiến ban đầu.

Là người trực tiếp chỉ đạo thương vụ thoái vốn này và Vinamilk, Thủ tướng cho rằng, nhanh chóng cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, niêm yết công khai trên sàn chứng khoán, tổ chức đấu giá và chào hàng ở trong và ngoài nước... sẽ giúp chống lại hiện tượng tiêu cực, tham nhũng xã hội lo lắng lâu nay trong cổ phần hoá doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ Công Thương đã biết gạt bỏ lợi ích, vượt lên chính mình để cải cách. Ảnh: VGP

Tại hội nghị, nhấn mạnh đến những thành quả của ngành công thương đã đạt được trong năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “Tôi đã từng nói Bộ Công Thương có vấp nhưng chưa ngã. Các đồng chí đã thực hiện rất quyết liệt các nhiệm vụ, đóng góp nhiều mặt cho sự phát triển của đất nước”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng Bộ Công Thương đã biết "gạt bỏ lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình và trở thành bộ dẫn đầu trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, giúp đưa môi trường kinh doanh Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

Thủ tướng cho biết, ngay trong buổi sáng diễn ra hội nghị ông đã ký Nghị định 08 về hướng dẫn cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh, tương đương 55% điều kiện do Bộ Công Thương quản lý.

Trước đó, hồi tháng 9/2017, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định về việc ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Con số này được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn 2 tuần các đơn vị tiến hành rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.

Đề xuất này của Bộ Công Thương ngay sau đó được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là tin vui đối với cộng đồng kinh doanh cũng như quá trình cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương cho biết , để cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ đã làm kỹ, làm rõ, làm nhiều lần, triệt để, toàn diện và số điều kiện được cắt giảm "không phải là con số cuối cùng". Ngoài ra, Bộ này còn xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã hồ sơ phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%.

Bộ Công Thương cũng cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 451 thủ tục hành chính (trong đó cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 134 thủ tục); triển khai 161 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất.

Nhắc lại việc đã nhắc nhở Bộ Công Thương trong cơ cấu lại tổ chức bộ máy cách đây một năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đến thời điểm này, Bộ đã thực hiện hết sức quyết liệt với thái độ dũng cảm, không sợ va chạm. Số lượng đầu mối thu gọn từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc.

“Đụng đến con người là phức tạp, nhưng các đồng chí đã làm khá mạnh mẽ, hiệu quả”, minh chứng bằng việc giảm được 5 đầu mối của bộ so với trước đây.

Ngoài ghi nhận những kết quả ngành Công Thương đạt được năm qua, lãnh đạo Chính phủ cũng nêu 8 tồn tại, hạn chế ngành này cần tháo gỡ như “tiềm ẩn tình trạng xin cho” chưa được khắc phục; công tác dự báo thị trường còn yếu, chưa gây dựng được những hạt nhân dẫn dắt thị trường giảm rủi ro; sản xuất, xuất khẩu vẫn tập trung chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất.

"Cắt giảm lượng lớn điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, nhưng ngành Công Thương vẫn còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển, chưa thoát ra được tư duy điều hành cũ", Thủ tướng nhìn nhận, đồng thời yêu cầu cơ quan này nhanh chóng khắc phục để "giải phóng nguồn lực, để thực sự có một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong ngành Công Thương Việt Nam".

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2018 cơ quan này sẽ tiếp tục lên kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng đã được rà soát, xác định yêu cầu mục tiêu cho năm 2018 tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa 43 thủ tục hành chính (trong tổng số 452 thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công Thương); nâng cấp mức độ các dịch vụ công trực tuyến của bộ bảo đảm mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ có 170/298 dịch vụ (chiếm 57%) được thực hiện ở cấp độ 3 và 4.

"Bộ sẽ tập trung hoàn thành việc xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt", Bộ trưởng Tuấn Anh dứt khoát.

Năm 2017, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016 và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1-8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng 14,5%, cùng kỳ năm 2016, là động lực chính cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong năm 2017.

Tác giả: Nguyễn Hoài

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP