Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: "Làm tiến sĩ" thay vì "học tiến sĩ"

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu "làm tiến sĩ" thay vì "học tiến sĩ"; cần đầu tư sâu hơn, đẩy mạnh hơn nữa cho các nhóm nghiên cứu mạnh, nhằm tạo đột phá, thu hút nhà nghiên cứu đầu ngành.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc vừa có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về công tác xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: "Làm tiến sĩ" thay vì "học tiến sĩ".

Nhiều tiến sĩ hạn chế về năng lực ngoại ngữ

Tại buổi làm việc, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GDĐT) đã cung cấp số liệu về đội ngũ trí thức, bao gồm số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức trong ngành GDĐT, đánh giá những mặt tích cực, hạn chế và nguyên nhân kìm hãm sự phát triển đội ngũ trí thức là giảng viên, chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực GDĐT.

Theo Niên giám thống kê năm học 2020-2021, cả nước có tổng số 242 trường đại học , học viện với tổng số giảng viên cơ hữu là 76.576 người (không bao gồm khối An ninh, quốc phòng).

Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách phát triển đối với đội ngũ trí thức đã có những bước phát triển và đạt hiệu quả đáng kể. Nhận thức sâu sắc tinh thần, nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức, thời gian qua, Bộ GDĐT đã đề xuất, triển khai thực hiện một số chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức.

Bộ cũng đặc biệt chú trọng đến việc tạo nguồn cho đội ngũ trí thức trong việc cử sinh viên và nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài; tham mưu, xây dựng và triển khai có hiệu quả các đề án. Thông qua nhiều giải pháp, số lượng giảng viên đại học trong năm học 2019-2020 tăng cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ tăng so với năm 2015. Số công trình nghiên cứu khoa học công bố ở các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín trên thế giới tăng đáng kể, xếp hạng đại học cũng tăng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển đội ngũ trí thức vẫn còn một số hạn chế, như chất lượng đội ngũ trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu đội ngũ trí thức còn bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi,… và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo.

Một bộ phận giảng viên, cán bộ quản lý, trong đó không ít người đạt trình độ tiến sĩ tại một số cơ sở giáo dục đại học còn thiếu một số năng lực cần thiết trong đào tạo; hạn chế về năng lực ngoại ngữ, CNTT, nghiên cứu khoa học… Đặc biệt, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành còn ít, thiếu đội ngũ nhà khoa học kế cận, chưa có nhóm nghiên cứu mạnh ngang tầm khu vực và thế giới; công tác quy hoạch còn hạn chế…

Nhìn nhận hạn chế và nguyên nhân, báo cáo đưa ra một số định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ trí thức, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch trọng tâm trọng điểm; đẩy mạnh tự chủ đại học, tạo động lực để đội ngũ trí thức tự học, tự bồi dưỡng và cống hiến; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án; thực hiện mạnh mẽ cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, nhất là các văn bản về chế độ chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý, các chính sách đãi ngộ, ưu tiên đối với đội ngũ trí thức.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với phát triển kinh tế xã hội và theo đặt hàng của doanh nghiệp để gia tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu.

Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao để khoa học có thể "nuôi" khoa học

Đánh giá cao tầm quan trọng của công tác xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã phân tích từng vấn đề trọng tâm như tạo nguồn, cơ chế chính sách đãi ngộ,… Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu "làm tiến sĩ" thay vì "học tiến sĩ"; cần đầu tư sâu hơn, đẩy mạnh hơn nữa cho các nhóm nghiên cứu mạnh, nhằm tạo đột phá, thu hút nhà nghiên cứu đầu ngành, từ đó thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao để khoa học có thể "nuôi" khoa học.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn hai Bộ tiếp tục tích cực phối hợp và chỉ đạo nhiệm vụ cho từng đơn vị thuộc Bộ trong công tác hoàn thiện đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển đội ngũ trí thức; tham gia đánh giá tổng kết thực hiện Nghị quyết số 27.

Về phía Bộ KHCN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định cần có cơ chế minh bạch, rõ ràng để "các nhà khoa học phát huy được ý tưởng, tạo ra kết quả tốt và sống được bằng nghề".

Thứ trưởng đánh giá nhiều giải pháp, đề xuất của Bộ GDĐT phù hợp với công tác xây dựng đề án Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030.

Tác giả: Bình An

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP