Về mùa đông hến bò xuống lòng sâu để tránh rét, vào cuối mùa xuân khi có những trận mưa rào đầu mùa, tiết trời ấm áp hến mới bò lên những nơi nước nông để kiếm ăn và sinh sản. Từ xưa người dân hai bên bờ sông Lam trên địa bàn huyện Thanh Chương đã biết khai thác và chế biến thức ăn từ hến. Chế ra dụng cụ “cào hến”. Đó là một loại dụng cụ được làm từ tre, có cán giống như một chiếc cào, phía dưới có một hộp răng thưa để chải trên cát, khoảng cách giữa các nan tre vừa phải để khi cào xuống cát thì cát trôi đi còn hến được giữ lại. Có thể cào theo từng mẻ, hến nặng đầy cào thì đưa vào bờ hoặc cũng có thể thiết kế một túi lưới đựng hến kéo theo cào trong quá trình cào hến khi nào quá nặng mới đưa vào bờ. Hiện nay cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ ngoài dụng cụ này các nhà thuyền còn cào hến bắng lưới sắt rất hiệu quả.
Vào những ngày nắng ấm như hiện nay, người dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện Thanh Chương như Cát Văn, Thanh Văn, Thanh Lĩnh, Thanh Tường, Thanh Giang, Võ Liệt…là những nơi dòng sông nông, nhiều cát thường tập trung cào hến để làm thức ăn và bán ra thị trường. Có những làng như Lĩnh Thành (xã Thanh Lĩnh), Đại Định ( xã Thanh Văn), các xóm 1, 2 xã Thanh Tường nhà nào cũng có dụng cụ cào hến, có người biết cào hến.
Cào hến là một nghề vất vả vì phải dầm mình cả ngày dưới sông, chưa kể phải liên tục thực hiện các dộng tác di chuyền cào. Nếu trời nắng nóng xuống sông tắm mát vài chục phút thì rất sảng khoái nhưng nếu phải dầm mình cả ngày ở đó mới biết nước sông tê buốt như thế nào. Vất vả nhưng bù lại là có thu nhập nên ở làng Đại Định (xã Thanh Văn) ngoài số đông cào hến bằng tay đã có nhiều hộ sắm thuyền và lưới thép để cào hến như hộ các anh chị Lĩnh- Tín, Trình- Thắm, Tân- Mừng. Trước đây khi chưa dùng thuyền người dân cào hến từ khoảng 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì trời mùa xuân dầm nước vẫn còn lạnh, nay các hộ dùng thuyền có thể cào cả ngày đêm. Nếu làm thủ công, trung bình mỗi ngày một người có thể “cào” được khoảng 40 kg, một thuyền có thể cào được 300kg. Mỗi ngày người dân Làng Đại Định xã Thanh Văn có thể cào được trên 1, 5 tấn, người dân làng Lĩnh Thành ( xã Thanh Lĩnh) cào được trên dưới 1 tấn hến. Với giá bán sỉ 8 000 /kg, bán lẻ 10 000 đ/kg mỗi ngày mỗi làng có thêm thu nhập 20 -30 triệu đồng. Nguồn lợi thu được tuy không nhiều nhưng là nghề không phải đầu tư vốn, không sợ ế nên rất giá trị.
Từ sự phát triển của nghề cào hến cũng đã hình thành nên đội ngũ những người buôn bán hến. Nếu như trước đây, hàng ngày chồng cào, vợ bán ở các chợ cóc chợ lẻ, hoặc bán cho hàng xóm lân bang thì nay hến đã được một số người gom lại và có người đến mua mang về các chợ lớn. Theo người buôn hến cho biết, mỗi buổi chiều chợ Trung tâm Thị Trấn Thanh Chương có thể tiêu thụ 1 tấn hến. Có thể bán hến nguyên con cho người cần hến tươi biết đãi hến hoặc luộc bán ruột cho người không biết luộc, đãi hến. Nói điều này vì đãi hến cũng là một công việc khó nếu không biết làm sẽ không tách được phần ruột và vỏ hến.
Vào tiết trời nóng bức, có đĩa ruột hến xào hẹ thơm phức nằm cạnh những chếc bánh đa vừng, có bát canh hến thơm nồng bựa ăn sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều. Với người làm hến, đó là thành quả của một ngày lao động vất vả dầm mình dưới nước. Với người không làm hến đó là những món ăn khoái khẩu mà không phải ở đâu và lúc nào cũng có.
Một mùa hến đã về trên sông Lam và sẽ kết thúc vào lũ tiểu mãn.
Tác giả bài viết: Trần Đình Hà
Nguồn tin: