Giáo dục

Thi đánh giá năng lực ngày càng quan trọng

Năm 2024, hàng trăm trường đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM và thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG Hà Nội để làm căn cứ xét tuyển

Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội vừa công bố kết quả thi đánh giá tư duy đợt 2 với điểm trung bình của hơn 5.000 thí sinh thi tăng 4,54 so với đợt 1. Điểm thi cao nhất đợt này là 91,55/100, tỉ lệ thí sinh đạt trên 80 điểm là hơn 5,7%, trên 60 điểm khoảng 34% tổng số thí sinh dự thi. Có 85 thí sinh đạt điểm đọc hiểu tối đa 20/20.

Xu hướng tuyển sinh bằng thi đánh giá năng lực

PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định nếu thí sinh đạt từ 50/100 điểm trong kỳ thi đánh giá tư duy thì có cơ hội trúng tuyển vào một số ngành học của ĐH Bách khoa Hà Nội, muốn trúng tuyển những ngành hot thì phải đạt từ 80/100 điểm trở lên.

Hiện tại đã có khoảng trên 40 trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh năm nay. Ở khối quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự sẽ lấy điểm kỳ thi này để xét tuyển theo hợp tác toàn diện giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Năm nay ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức 6 đợt, nhiều hơn năm 2023. PGS-TS Nguyễn Phong Điền lưu ý thí sinh cần trau dồi kiến thức bằng cách học tốt chương trình học phổ thông, qua tài liệu, qua đề thi thử để biết cách thức, căn chỉnh thời gian làm bài.

Lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết thêm năm nay trường giữ ổn định tuyển sinh với 3 phương thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển tài năng, xét tuyển bằng kết quả thi (bao gồm thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá tư duy). Tuy nhiên, tỉ lệ chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp, xét điểm thi đánh giá tư duy có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Thí sinh vùng sâu, vùng xa yên tâm vẫn có cơ hội để xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Đối với những lĩnh vực có tính chất cạnh tranh cao, thí sinh sẽ gặp khó khăn khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng có 30-35/63 chương trình đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ xét điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm chuẩn vừa phải.

ĐHQG Hà Nội cũng dự kiến tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực với khoảng 84.000 lượt thí sinh đăng ký trong năm 2024, thời gian mở cổng đăng ký đợt 1 vào ngày 18-2. Đợt 1 dự kiến diễn ra từ ngày 23 đến 24-3 tại Hà Nội, Nam Định. Hệ thống cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm (tính đến ngày 31-12-2024). Hai lượt thi cách nhau liền kề tối thiểu 28 ngày. Ca thi sẽ tự động đóng khi đã hết chỗ đăng ký. Đề thi tham khảo đã được công bố tại cổng thông tin khảo thí - http://khaothi.vnu.edu.vn. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội được nhiều trường ĐH trên cả nước sử dụng để tuyển sinh.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Ảnh: YẾN ANH

Thí sinh có thể dự thi nhiều đợt

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TP HCM), cho biết ở đợt thi thứ nhất, thí sinh đã bắt đầu đăng ký dự thi từ ngày 22-1 đến 4-3. Đợt 1 thi đánh giá năng lực được ĐHQG TP HCM tổ chức vào ngày 7-4 tại 24 tỉnh/thành phố. Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố vào đúng 1 tuần sau khi thi, tức ngày 15-4. Đợt 2 được tổ chức vào ngày 2-6 tại 12 tỉnh/thành phố. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 10-6. Thí sinh có thể tham gia dự thi đợt 1, đợt 2, hay cả 2 đợt để tăng cơ hội trúng tuyển.

TS Nguyễn Quốc Chính cho biết kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút.

Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM tính đến nay đã được 97 trường ĐH, cao đẳng trong và ngoài hệ thống ĐHQG TP HCM sử dụng để xét tuyển.

Tại TP HCM, ngoài kỳ đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM còn có các kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do các trường ĐH tổ chức. Trường ĐH Sư phạm TP HCM mới đây đã công bố thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2024. Thông tin cho biết năm nay trường tổ chức 3 đợt thi: đợt 1 vào các ngày 29, 30, 31-3 (tại trường); đợt 2 vào các ngày 1, 11-5 (tại Long An); đợt 3 vào các ngày 21, 22, 23-5 (tại trường).

ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt được nhà trường tiếp tục tổ chức với 6 bài thi: toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, tiếng Anh. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi này để đăng ký xét tuyển vào các ngành học có áp dụng phương thức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển dựa trên đề án tuyển sinh của trường. Kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt là điểm môn chính trong tổng điểm xét tuyển tổ hợp 3 môn (2 môn còn lại sử dụng điểm học bạ THPT).

Thi đánh giá năng lực trên máy tính

Từ năm 2023, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM và Trường ĐH Sài Gòn đã tổ chức kỳ thi giá giá năng lực trên máy tính, kết quả kỳ thi được 4 trường ĐH (ĐH Mở TP HCM, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Sài Gòn, ĐH Ngân hàng TP HCM) công nhận và sử dụng để xét tuyển. PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết năm nay trường tổ chức 6 đợt thi trong tháng 2, 3, 4. Thí sinh cần thi tối thiểu 3 môn (trong số các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh, sử, địa) phù hợp tổ hợp môn xét tuyển vào ngành mong muốn xét tuyển. Còn tại Trường ĐH Sài Gòn, năm nay trường tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực trên máy tính. Thí sinh thi tối thiểu 3 môn trong các môn toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân phù hợp với tổ hợp xét tuyển của ngành học.

Tác giả: YẾN ANH - HUY LÂN

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP