Thế giới

Thế khó của Trung Quốc trong quan hệ quân sự với Nga

Trung Quốc được cho là phải tìm cách cân bằng giữa việc duy trì mối quan hệ quân sự với Nga, nhưng đồng thời tránh phản ứng từ Mỹ.

Binh sĩ Trung Quốc tham gia tập trận Vostok ở phía đông Nga (Ảnh: Reuters).

Khoảng 2.000 binh sĩ Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận quân sự quy mô lớn có tên gọi Vostok 2022 do Nga dẫn đầu, bắt đầu từ ngày 1/9. Các nhà phân tích cho rằng quân đội Trung Quốc sẽ học hỏi được nhiều từ các kinh nghiệm tác chiến của Nga sau các cuộc xung đột tại Ukraine, Georgia và Syria.

Giới quan sát vẫn đang theo dõi cuộc tập trận Vostok để tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy Nga và Trung Quốc, hai quốc gia có lực lượng quân sự hùng mạnh, đang trở nên thân thiết hơn và hỗ trợ lẫn nhau.

Tuy nhiên, mối quan hệ này dường như đang thay đổi: sự phát triển về công nghệ của quân đội Trung Quốc đã tiến xa đến mức có khả năng áp đảo Nga trong một số lĩnh vực.

Theo Artyom Lukin, phó giáo sư tại trường nghiên cứu khu vực và quốc tế thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, những tính toán về địa chính trị sau cuộc chiến Ukraine khiến Bắc Kinh thận trọng hơn trong mối quan hệ quân sự với Nga.

"Tôi cho rằng, có vẻ như Bắc Kinh không muốn để lại ấn tượng rằng Trung Quốc đang xích lại gần Nga về mặt quân sự", chuyên gia Lukin nhận định.

Chỉ vài tuần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và đưa ra một tuyên bố chung, trong đó khẳng định tình hữu nghị giữa hai nước là không có giới hạn và "hợp tác chiến lược" song phương sẽ không bị ảnh hưởng bởi "môi trường quốc tế thay đổi".

Bắc Kinh đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Trung Quốc phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga, trong khi Mỹ cho biết họ không có bằng chứng nào về việc Trung Quốc cung cấp hỗ trợ về quân sự cho Nga hoặc giúp Moscow lách lệnh trừng phạt.

"Trung Quốc chỉ hành động vừa đủ để duy trì mức độ quan hệ quân sự với Nga như trước cuộc khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh có vẻ như muốn thể hiện rằng: "Chúng tôi đang duy trì mối quan hệ (với Nga) nhưng chúng tôi sẽ không làm sâu sắc thêm mối quan hệ này, ít nhất là trong lĩnh vực quân sự", chuyên gia Lukin cho biết.

Theo chuyên gia Lukin, việc Trung Quốc không sẵn sàng thắt chặt quan hệ với Nga xuất phát từ việc Bắc Kinh vẫn còn phụ thuộc vào công nghệ và nền kinh tế Mỹ. Trong bối cảnh chuẩn bị cho đại hội đảng vào tháng tới, Trung Quốc không sẵn sàng đối đầu với Washington bằng một liên minh.

Trung Quốc đã mua ít vũ khí của Nga hơn, thay vào đó Bắc Kinh tự phát triển vũ khí của mình. Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy, mặc dù hầu hết vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2002 đến năm 2021 đến từ Nga, nhưng số vũ khí nhập khẩu đã giảm hơn một nửa trong 10 năm.

Trung Quốc chế tạo các máy bay chiến đấu ngày càng tinh vi và tàu sân bay của nước này đã sử dụng hệ thống phóng máy phóng điện từ. Tuy nhiên, Nga vẫn cung cấp cho Trung Quốc một số công nghệ chủ chốt như hệ thống tên lửa đất đối không S-400.

Chuyên gia Lukin cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu Nga sớm bắt đầu mua máy bay không người lái và tàu chiến của Trung Quốc - những công nghệ mà Trung Quốc tiên tiến hơn Nga.

"Nếu Bắc Kinh đưa ra quyết định bán công nghệ quân sự cho Nga, tôi nghĩ Bắc Kinh đủ khôn khéo để tính đến cả phản ứng của Mỹ", chuyên gia Lukin nhận định.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP