Thành Nghệ An năm 1927. Thành được xây dựng bằng đất từ năm 1804, 2 năm sau khi vua Gia Long lên ngôi. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), thành được xây lại bằng đất đá với mặt bằng hình lục giác, có 3 cửa ra vào là cửa Tiền, cửa Tả và cửa Hữu với các cánh cổng kiên cố. Thành là nơi đặt bộ máy của chính quyền Nam triều giai đoạn 1804-1945. Ảnh tư liệu của Hàng không Pháp.
Cổng thành Nghệ An năm 1929. Theo ông Phạm Xuân Cần, những bức ảnh này đa phần là bưu ảnh được người Pháp gửi về nước, một số còn có cả tem. Bức ảnh xưa nhất về Vinh chụp năm 1900, gần nhất năm 1942. Đặc biệt, hầu như tất cả ảnh đều ghi địa danh. Ảnh: Trần Đình Quán.
Bến Thủy năm 1908 (ảnh tư liệu). Hầu hết ảnh thời kỳ này là đen trắng, tuy nhiên cũng có một số bức ảnh màu chất lượng khá cao.
Voi vận tải ở Bến Thủy đầu thế kỷ XX (ảnh tư liệu). Phần lớn ảnh không chú thích tác giả. Một số ghi rõ tên tác giả trên ảnh, trong đó nổi bật có hai tác giả là Pierre Dieulfils (1862-1937) và Trần Đình Quán.
Ga Vinh được xây dựng quý II/1900. Ngày 17/3/1905, đoàn tàu hơi nước đầu tiên hú còi xin đường vào ga sau hành trình dài 300 km từ Hà Nội đến Vinh. Vị trí ga Vinh xưa hiện nay thuộc khu vực Trung tâm điện ảnh đa phương tiện và Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, đường Quang Trung, TP Vinh.
Chợ Vinh đầu thế kỷ XX (ảnh tư liệu). Chợ Vinh có từ lâu đời, xưa gọi là chợ Vĩnh. Trước khi Vinh trở thành trấn thành của Nghệ An, chợ Vinh đã là chợ lớn, trung tâm mua bán nổi tiếng của cả vùng.
Văn miếu Nghệ An là ngôi miếu nhỏ có từ lâu đời, năm 1803 được vua Gia Long cho phép nâng cấp, trùng tu và gọi là Văn Thánh Vinh, thuộc địa phận xã Yên Dũng, huyện Hưng Nguyên, tổng Yên Trường, trấn Nghệ An. Văn miếu Nghệ An thờ Khổng Tử, Chu Văn An và các bậc hiền triết đã có công sáng lập, truyền bá, phát triển Nho giáo, đồng thời là nơi tôn vinh các nhà khoa bảng Nghệ An. Ảnh: Trần Đình Quán.
Bưu điện Vinh xưa, sau này có thời kỳ là Đài liệt sĩ thành phố. Hiện bưu điện Vinh là một phần của Trung tâm Thương mại BigC, trên đường Trần Phú, phường Lê Mao, TP Vinh. Ảnh: Trần Đình Quán
Tòa công sứ xây dựng năm 1897, nằm trên đường bờ sông, cổng hướng ra phía cầu Cửa Tiền cũ. Vị trí này hiện nay là đường Lê Hồng Sơn, TP Vinh.
Tháp chùa Thập Phúc (ảnh tư liệu) xưa tọa lạc trên vùng đất rộng, ở khối Bình Phúc, phường Hưng Phúc. Chùa được Hội Tập Phúc, trong đó có nhà đại tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi đứng ra quyên góp xây dựng 1926. Ngôi chùa từng được cho là lớn nhất Nghệ An bị phá hủy hoàn trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Bệnh viện ở Bến Thủy (ảnh tư liệu). Theo ông Phạm Xuân Cần, những bức ảnh về thành Vinh xưa sẽ giúp người xem hình dung diện mạo của đô thị xưa. Tổng cộng có khoảng 100 bức ảnh về thành Vinh đã được ông Cần xuất bản thành cuốn sách mang tên Vinh Xưa.
Một đường phố ở Vinh (ảnh tư liệu).
Cuối năm 2016, Hội Xuất bản Việt Nam đã tặng giải thưởng Sách Việt Nam cho cuốn Vinh Xưa. Cuốn sách được trao giải đồng cho hạng mục sách hay, và giải bạc cho hạng mục sách đẹp.
Tác giả bài viết: Hải Bình Nguồn tư liệu: Vinh Xưa
Nguồn tin: