Video quảng cáo "tung trời" về công dụng của viên xương khớp Hoàng Hường - Ảnh: CN chụp lại |
Viên uống bổ phổi, thanh lọc cơ thể hậu COVID-19; vitamin tổng hợp bổ sung đề kháng; cà phê, kẹo ngậm, trà giảm cân... nắm bắt được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, hàng loạt loại thực phẩm chức năng ra đời.
Bất chấp chất lượng, chủng loại, sản phẩm chủ yếu được đầu tư quảng cáo với những lời tung hô "có cánh" phủ khắp các website, trang mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok)...
Công dụng ngút trời
Gây bức xúc cho người tiêu dùng thời gian qua phải nói đến các sản phẩm viên xương khớp Hoàng Hường. Chỉ cần tra tên sản phẩm trên Google, sẽ xuất hiện hàng loạt trang web đăng bán với video quảng cáo công dụng từ "doanh nhân" Hoàng Hường, "đảm bảo không có một thành phần nào cấm, không có một chút thuốc Tây nào, dám chắc sản phẩm tốt"...
Trước đó, vào năm 2021, trên các fanpage, YouTube có tên: Nha khoa quốc tế Hoàng Hường, Nhà thuốc Hoàng Hường, Dược phẩm Hoàng Hường, Hoàng Hường - Thẩm mỹ 24, Hoàng Hường Số 1 Nha Khoa Đẹp... liên tục đăng tải các video quay bà Hoàng Thị Hường quảng cáo sản phẩm nước súc miệng, súc họng điều trị dứt điểm hôi miệng, viêm lợi và nhiều bệnh lý răng miệng khác tại nhà.
Đáng chú ý khi trong các video liên tục sử dụng các từ ngữ "diệt", "đặc trị", "trị", "loại bỏ", "chữa được hôi miệng lâu năm, hôi từ kiếp trước sang kiếp này, hôi miệng cỡ nào cũng hết"... để quảng cáo, thổi phồng công dụng sản phẩm khiến không ít người tiêu dùng "sập bẫy". Mặc dù Nha khoa quốc tế Hoàng Hường bị tước giấy phép hoạt động do không đảm bảo các điều kiện khám chữa bệnh từ năm 2019.
Gần đây, tại một kênh tin tức chính thống xuất hiện đường link dẫn tin tài trợ với nội dung "Đau bụng dữ dội do u nang buồng trứng - học ngay cách cải thiện của chị Ph.".
Khi bấm vào xem, đường link hiện ra website quảng cáo thực phẩm chức năng N.P.Kh. với những công dụng "thần thánh" như "giúp giảm kích thước khối u, cải thiện tình trạng đau bụng kinh, phòng ngừa u xơ tử cung và các bệnh phụ khoa khác..., gây hiểu lầm như một loại thuốc thần kỳ chữa bệnh.
Không những thế, website này còn đăng tải các bài viết giới thiệu các bệnh nhân từng sử dụng để minh chứng hiệu quả, cùng các video có bác sĩ, chuyên gia "tấm tắc" khen ngợi công dụng. Được biết, sản phẩm này đang bán với giá hơn 1,3 triệu đồng/hộp 360 viên.
Hầu hết các website quảng cáo thực phẩm chức năng đều có dòng chữ: "Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" để đảm bảo tính pháp lý trong quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, dòng chữ này rất nhỏ, thường để cuối một bài quảng cáo dài với nhiều nội dung khiến người tiêu dùng khó nhận biết, tưởng là thuốc.
Lòng tin "bào mòn" sức khỏe
Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp, ngoài xử lý theo quy định của Nhà nước, bộ còn thường xuyên công khai vi phạm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm, trên trang của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, càng thắt chặt, hành vi vi phạm lại ngày càng biến tướng tinh vi.
Theo PGS Nguyễn Hữu Đức, với các quảng cáo quá mức về công dụng dễ khiến nhiều người bệnh tin theo, thay vì đến bệnh viện, họ lại tin dùng sản phẩm đó để điều trị. Dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị.
"Khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có tác động đến sức khỏe nên tìm hiểu thật kỹ thông tin về chất lượng và mua từ nhà cung cấp uy tín. Không nên tự ý dùng theo lời đồn đại chia sẻ trên mạng xã hội, hoặc qua các video quảng cáo không chính thống", PGS Hữu Đức nói.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng cơ thể chúng ta hấp thụ chất hữu cơ, trong khi những loại thực phẩm chức năng, vitamin tổng hợp lại chứa nguồn chất vô cơ dồi dào. Thực phẩm chức năng, vitamin tổng hợp không cần thiết, bữa ăn cân đối mới là yếu tố quan trọng.
Về tình trạng "đua" nhau mua thực phẩm chức năng sau COVID-19, BS Nguyễn Thanh Sang - giám đốc trung tâm điều trị hậu COVID-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho rằng có nhiều người mua và uống các loại thuốc tăng cường miễn dịch, thuốc bổ phổi, bổ gan, thanh lọc phổi vì nghĩ rằng sau COVID-19 thì các cơ quan ít hoặc nhiều đã bị tổn thương.
"Không nên quá kỳ vọng vào thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng bổ phổi, thanh lọc phổi, vì nó chỉ mang tính chất hỗ trợ" - BS Sang nhắc nhở.
Mới đây tại hội nghị trực tuyến "Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian qua dù Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an... đã quyết liệt vào cuộc xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh nhưng tình trạng này vẫn giảm không đáng kể. Một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên Zalo, Google, Facebook, YouTube... Qua thanh tra, kiểm tra, cục này còn phát hiện trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán thực phẩm chức năng trái phép. Ca sĩ, diễn viên... quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai. Mới đây, Bộ Y tế có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Twitter..., các nền tảng quảng cáo trên Google Ads như YouTube, Coccoc, Chrome... nếu vi phạm về luật quảng cáo và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng. |
Tác giả: Cẩm Nương
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ