Du lịch

Thác nước nằm ngang có thể "đảo chiều 2 lần 1 ngày” độc nhất trên thế giới

Vịnh Talbot, nằm ở bờ biển Kimberleys, phía Tây Australia là nơi xuất hiện hiện tượng tự nhiên vô cùng độc đáo.

Nằm sâu trong vịnh là hai thác nước nằm ngang, được đặt tên là Thác Ngang. Thác Ngang được hình thành khi dòng nước chảy qua khe hở nhỏ giữa những ngọn núi trong dãy McLarty.

Khi thuỷ triều lên, xuống, lượng nước chảy vào khe hở lớn hơn lượng nước chảy qua, tạo nên áp lực nước lớn. Từ đó, phía nước chảy ra sẽ cuộn sóng, tung bọt trắng xoá, tạo nên hiệu ứng thác nước.

Cảnh tượng hùng vĩ của Thác Ngang khi nhìn từ trên cao

Có hai khe hở nằm trên hai ngọn núi song song cách nhau khoảng 300 m. Khe hở đầu tiên, hướng ra biển rộng khoảng 20 m. Khe hở thứ hai cũng là khe hở ngoạn mục nhất chỉ rộng khoảng 10 m. Dòng nước đi qua hai khe hở này tạo nên hai thác ngang duy nhất trên thế giới.

Nhìn từ trên cao, giữa biển nước màu xanh ngọc sáng, một dòng nước nhỏ tung bọt trắng như con thác chảy ngang.

Theo Uỷ ban Đa dạng Sinh học và Bảo tồn Danh lam thắng cảnh Tây Australia, ngoài việc nằm ngang, thác có thể “đảo ngược”. Hướng chảy của thác sẽ thay đổi theo hướng của thuỷ triều. Như vậy, thác nước sẽ “xoay chiều” khoảng hai lần mỗi ngày.

Du khách có thể đi thuyền qua thác khi thuỷ triều rút

Hiện tượng thác nước nằm ngang được phát thanh viên, nhà tự nhiên học người Anh, David Attenborough mô tả là “một trong những kỳ quan thiên nhiên vĩ đại nhất của thế giới”.

Tại khu vực này, có những thời điểm thuỷ triều dâng cao tới 10 m trong khoảng sáu tiếng đồng hồ. Du khách có thể đi thuyền qua Thác Ngang khi thuỷ triều rút.

Để ngắm nhìn hai thác nước rõ hơn, du khách có thể lựa chọn du ngoạn trên không bằng thuỷ phi cơ của hãng Broome hoặc Derby.

Tác giả: Tú Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP