"Máy tôi bỏ vào thùng, cất vào kho để ăn Tết cho ngon. Đừng ai nhắc đến đào coin lúc này", Trần Công Đức, người đầu tư máy giải mã tiền kỹ thuật số ngụ Tân Phú, TP.HCM trải lòng.
Bỏ thì thương, vương thì tội
Tháng 3/2018, thời điểm đồng Ethereum có giá hơn 800 USD/eth, anh Đức đầu tư hơn 500 triệu đồng mua máy đào để tạo ra nguồn thu nhập bị động. Theo anh Đức, thời đó trừ tiền điện và khấu hao máy móc, khoảng 8-10 tháng anh có thể hoàn vốn.
Thời điểm đó, nếu đào tiền số, lợi nhuận vẫn được từ 20-30%. Tuy rủi ro lớn nhưng mua máy vừa đào vừa cầu nguyện máy không hư vẫn có thể kiếm lời.
Cảnh hoang tàn của một chuồng "trâu" sau khi giá bán ra không đủ bù lỗ tiền điện. |
Không như những gì anh Đức dự đoán, tháng 5/2018, đồng Ethereum tuột dốc xuống mức giá 500 USD/eth và tiếp tục giảm đến nay chỉ còn 100 USD. "Với giá này thì không ai có thể kiếm được lời vì chi phí sản xuất quá cao. Tôi và tất cả những người khai thác coin tôi biết đều rút điện", anh Đức nói thêm.
Theo anh Đức, hiện anh đang có nguồn điện giá tốt, 1.700 đồng/kW nhờ khai thác số lượng lớn nhưng vẫn không hoàn được vốn. Mỗi máy đào tiêu tốn gần 2 triệu đồng tiền điện mỗi tháng nhưng chỉ thu về được hơn 1 triệu.
"Với những người sử dụng điện sinh hoạt 2.300 đồng/kW khai thác nhỏ lẻ thì chỉ có chết với tiền điện", anh Đức nói thêm.
"Cả làng bán máy nên chẳng ai mua nữa. Nếu đầu từ trâu cày GPU thì có thể xả card bán cho các tiệm net. Với máy đào ASIC thì cho có chất kho bỏ đống", anh Đức nói.
Lời ra tiếng vào dịp Tết
"Toàn bộ máy đào nhà tôi đều đã rút điện. Không thanh lý được chỉ biết đắp bạt, đóng thùng giấy lại để người thân đến chơi không hỏi và mình cũng không nhìn thấy cho đỡ buồn", Lê Sơn, một người đầu tư máy đào từ tháng 5/2018 cho biết.
Theo anh Sơn, những nhà đầu tư từ cuối 2017 đến tháng 2/2018 mới có khả năng thu hồi vốn và có chút lời. "Những nhà đầu tư sau đó chỉ có chết với máy đào", anh Sơn nói thêm.
Đắp bạt, đóng thùng là giải pháp cuối cùng khi không thể thanh lý máy đào coin. |
"Tiền mình đầu tư, lời mình ăn, lỗ mình chịu. Lúc đầu tôi rất buồn khi nhiều người hỏi thăm nhưng sau thành quen. Bất cứ ai đầu tư máy đào cũng sẽ buồn như tôi khi nghe đến hai chữ "đào coin"", anh Sơn nói.
Dạo quanh các hội nhóm trước đây sôi nổi mua bán máy đào chỉ thấy rao bán GPU lẻ cho nhu cầu chơi game. Máy đào ASIC, dàn trâu cày và các thiết bị liên quan đến khai thác tiền số hầu như không còn xuất hiện.
"Thời đó mua máy 80 triệu, giờ chỉ còn 8 triệu, có bán cũng như không bán nên tôi trữ lại chờ ngày coin tăng giá", Huỳnh Sỹ, sở hữu 50 dàn "trâu" tại quận 9 cho biết.
Coin vẫn chưa chết
Tuy chưa biết "ngày coin tăng giá" là ngày nào, anh Sỹ vẫn tin rằng tiền số vẫn chưa đến ngày tận diệt. "Ở Trung Quốc vẫn còn nhiều mỏ đào lớn. Họ có giá điện tốt hơn từ các mô hình hợp tác xã. Bên cạnh đó, vì ít người đào nên độ khó thuật toán đã giảm. Vì vậy, họ vẫn có thể lời, dù rất ít", Huỳnh Sỹ chia sẻ.
Những dàn máy giá 80 triệu chỉ sau vài tháng có giá 8 triệu đồng. |
"Tết đến nhiều người cũng hỏi mình làm ăn như thế nào trong năm 2018. Chỉ biết cười trừ. Ban đầu buồn lắm nhưng bị hỏi nhiều thành quen. Anh em khai thác coin ai cũng như mình cả thôi", anh Đức nói.
Tuy vậy không phải ai cũng lạc quan như anh Đức. Nhiều nhà đầu tư cầm cố, vay mượn tài sản để đầu tư máy đào từ đầu năm 2018 đến nay đều điêu đứng trước đã giảm giá của coin.
"Đào được coin cũng chỉ để xem. Giờ đem bán cũng lỗ, giữ chờ ngày tăng giá thì lãi suất, chủ nợ đòi. Bây giờ chỉ muốn quên coin đi mà ăn Tết thôi", Văn Hiền, vay mượn gần 200 triệu để mua máy đào từ tháng 5/2018 chia sẻ.
Tác giả: Trọng Hưng
Nguồn tin: zing.vn