Từ lo lắng đến kỳ tích
Mức tăng trưởng GDP trên là con số cao nhất kể từ năm 2008. "Đó là con số tin cậy bởi Tổng cục Thống kê còn có các cuộc điều tra liên quan cũng như được kiểm chứng ở nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác", ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội năm 2017 diễn ra chiều nay, 27/12.
Sở dĩ có sự nhấn mạnh đó, bởi chỉ mới ngay hôm qua (26/12), Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017, cũng chỉ mới đề cập dự báo GDP đạt 6,7%, tức đạt mục tiêu đề ra. Trước đó, các tổ chức nước ngoài như Ngân hàng thế giới (Worldbank), Ngân hàng phát triển châu Á - ADB đã nâng dự báo GDP của Việt Nam năm nay, cũng chỉ dừng tới mức số trên.
Sản xuất kinh doanh khởi sắc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2017 vượt xa mục tiêu |
Quý I, với mức tăng chỉ 5,15%, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Chính phủ, Quốc hội đã phải dành thời gian đáng kể bàn vấn đề có nên hay không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay hay không? Nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế đã không ngần ngại cảnh báo viễn cảnh GDP năm nay khó đạt mục tiêu Quốc hội thông qua.
Cho nên, trả lời cho câu hỏi vì sao GDP năm nay lại đạt kết quả ngoạn mục như vậy, vượt xa mọi dự báo và trên mục tiêu, tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đã khẳng định, đó là kết quả của quá trình tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả, cải thiện môi trường kinh doanh và phát huy tích cực vai trò Nhà nước kiến tạo.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu đã có mức tăng đột phá. Lạm phát được kiểm soát hợp lý, đạt 3,53%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Lý giải thêm về con số tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, Tổng cục Thống kê cho biết có sự đóng góp quan trọng của kỷ lục vượt mốc 400 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam. Trong đó, 5 tháng liên tiếp, xuất khẩu của Việt Nam đều đạt trên 19 tỷ USD, là mức mà chưa năm nào đạt được.
Ông Nguyễn Bích Lâm gọi đây là kỳ tích của thương mại Việt Nam. "Mặc dù nền kinh tế còn phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu của nước ngoài, do nhập hơn 91% là tư liệu sản xuất, song, chúng ta vẫn xuất siêu (2,1 tỷ USD) được nhờ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá. Trong thành tích này, phải kể đến Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã rất năng động khi tìm kiếm thị trường xuất khẩu", ông Lâm phân tích.
Đơn cử như việc Chính phủ đã đàm phán xuất khẩu được trái cây ra nước ngoài.
Ông Lâm dẫn chứng: "Nếu năm trước, chúng ta còn lo lắng khi mở rộng diện tích trồng thanh long thì giờ đây, ta đã có thị trường xuất khẩu. Gần đây, xoài cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu và tới đây, chúng ta sẽ có chuyến hàng xuất khẩu vú sữa đầu tiên đi Mỹ".
Trong con số 213 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam năm nay, có tới 28 nhóm hàng hoá xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 nhóm hàng hoá xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Theo ông, những nỗ lực này đã đóng vai trò to lớn bởi nếu nhập siêu sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế và xuất siêu sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, "vì độ mở nền kinh tế rất lớn nên các bộ ngành, địa phương thời gian tới sẽ vẫn phải chú trọng xuất khẩu", ông Lâm lưu ý.
Chất lượng cải thiện, niềm tin gia tăng
Một vấn đề quan trọng hàng đầu là gắn liền với các con số, chất lượng tăng trưởng kinh tế có nâng cao và niềm tin của doanh nghiệp có gia tăng?
Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho tăng trưởng kinh tế đã cải thiện rất nhiều.
Cụ thể như, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm nay là 45,19%, cao hơn so với mức đóng góp năm 2016 là 40,68% và cao cách biệt so với mức đóng góp trung bình 33,58% của giai đoạn 2011-2015.
|
Hệ số ICOR, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư năm nay được ước tính ở mức thấp chỉ 6,21, trong khi năm ngoái là 6,41, cho thấy đồng vốn đầu tư ngày càng được sử dụng hiệu quả hơn.
Ông Lâm cho biết thêm, trong tăng trưởng kinh tế năm nay, phải kể đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã ngày càng đậm nét hơn. Tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã gia tăng trong 3 năm trở lại đây, từ mức 38,7% năm 2015 đã tăng lên mức 40,6% năm nay. Khu vực này cũng đã chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với tỷ lệ là 41,8%.
Ông Lâm cho rằng, các con số này cho thấy Chính phủ đã huy động nguồn lực trong khu vực tư nhân vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn.
Đáng chú ý, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy nhiều tín hiệu sáng.
Theo điều tra này, quý I năm 2018, doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn quý IV năm 2017 với 49,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất sẽ tăng lên, 35,9% dự báo sẽ ổn định.
Ngoài ra, 44,8% số doanh nghiệp được điều tra cũng đánh giá tình hình kinh doanh quý IV năm 2017 tốt hơn các quý trước và dự kiến quý I năm 2018, 48,2% doanh nghiệp dự cảm xu hướng sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là việc thích ứng cuộc cách mạng 4.0 và kéo gần khoảng cách năng suất lao động với các nước. Để đạt mục tiêu năm 2018 được cho là thận trọng như GDP từ 6,5- 6,7%, lạm phát bình quân 4%, các giải pháp căn cơ vẫn được khuyến cáo là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động và linh hoạt chính sách tiền tệ, tăng cường kỷ luật tài chính.
Tác giả: Phạm Huyền
Nguồn tin: Báo VietNamNet