Mới đây, cô giáo Trần Thu Hiền (SN 1973), Hiệu trưởng Trường THCS Hoa Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) vừa đăng tải lên trang facebook cá nhân những dòng tâm trạng, nói lên cảm xúc của chính cô.
Ngay sau khi đăng tải, những dòng trạng thái của cô đã nhanh chóng nhận được nhiều lượt thích và bình luận từ mọi người.
Phần lớn là những người thế hệ đầu 9X trở về trước, họ đều “thú nhận” thấy được hình ảnh của chính mình trong dòng hoài niệm của cô.
Cô giáo Trần Thu Hiền, người đã gắn bó 22 năm với nghề "gieo chữ".
Cô Trần Thu Hiền viết:
Cứ mỗi dịp gió heo may ùa về, trong khí trời lành lạnh đầu đông, kỷ niệm thủa nào lại chợt hiện ra. Với tôi duyên nợ với nghề có lẽ là nghề chọn tôi trước khi tôi chọn nghề. Vậy mà đã 22 năm gắn bó, nếu được chọn lựa lần nữa tôi cũng sẽ làm người dẫn dắt các em thơ. …
Ngày còn đi học, 20/11 háo hức với các bài múa, cả lũ chở nhau bằng chiếc xe đạp cà tàng đến thăm thầy, cô giáo. Quà tặng thầy, cô là những gói bánh quy nụ, sang hơn là gói kẹo hoa quả.
Thầy trò chuyện trò râm ran, mắt lũ học trò liếc ngang, liếc dọc, thế là cây ổi, cây khế, cam, chanh vườn thầy vào tầm ngắm, sau buổi thăm hỏi vườn nhà thầy cô như vừa trãi qua trận bão cấp 7 cấp 8, thế nhưng mắt thầy, cô lấp lánh, hãnh diện với xóm làng mình là thầy của lũ học trò tinh nghịch kia.
Lớn lên duyên nợ thế nào mình lại vào sư phạm, 20/11 tụi sinh viên tặng hoa cho thầy cô giáo, tặng nhau những cánh thiệp có những bông hoa hồng nhung rực rỡ. Đời sống tinh thần đã làm cho tình yêu nghề đến trước khi thực sự bước vào nghề.
Ra trường về dạy học ở một trường miền núi, 20/11 học sinh hăng say, nhiệt tình biểu diễn văn nghệ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam mà chân đất, tóc cháy, mặt mày nhem nhuốc nhưng nụ cười hồn nhiên như mang cả nắng thu về.
Hình ảnh những cô cậu học trò "thời xưa" hiện lên trong dòng hoài niệm của cô.
Lũ học trò kéo đến chúc mừng thầy cô kèm theo chục trứng gà, rổ ngô nếp luộc, cả những gói xôi nếp cẩm và đùi gà luộc, cả lũ ồn ào dúi quà vào tay thầy cô nhưng không ai dám nhón tay lấy một cái kẹo giữa đĩa, thầy cô lại phải dúi vào từng đứa một, vào những dịp đó thầy cô nội trú góp quà học trò liên hoan, đầm ấm và vui vẻ biết bao!
20/11 của những năm hai ngàn không trăm, học trò trường làng vẫn thế, hồn nhiên, chân chất, không rụt rè như trước nhưng vẫn ngây thơ đáng yêu, quà cho thầy cô giáo có thêm bó hoa tươi nhưng khi mời kẹo vẫn đứa nọ nhìn đứa kia không ai dám đưa tay vào đĩa kẹo, thế mà thầy cô vừa quay lưng loáng cái đĩa kẹo đã hết nhẵn.
Đúng là chỉ có học trò trường làng mới như thế, các em vẫn vẹn nguyên, tinh khôi như thủa chúng tôi vậy. Nhìn các em nhớ mình ngày xưa quá.
Lịch sử nền giáo dục Việt Nam đã ghi nhận lớp lớp nhà giáo ngày đêm tận tụy với nghề, lao động sáng tạo, quên mình.
Nhiều thầy cô giáo đã không ngại khó khăn, vất vả để đem ánh sáng văn hóa cho đồng bào vùng cao, vùng xa. Cô giáo Trần Thu Hiền là một trong những nhà giáo đó.
Đối với cô Hiền, nét đáng yêu ở học trò trường làng không bao giờ thay đổi.
Từ trước đến nay, nhà giáo luôn được vinh danh là “Kỹ sư tâm hồn”, được mọi người quý trọng và yêu mến. Nghề dạy học cũng được vinh danh là “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
Bởi vậy, trọng trách lên vai mỗi người thầy là vô cùng lớn. Họ sẵn sàng mang tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian khổ, để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Được biết, 22 năm tuổi nghề của cô đều gắn bó với các em học sinh miền núi, rẻo cao Nghệ An. Vùng đất mà mùa lạnh đến mức thấu xương, còn mùa nóng thì cháy thịt cháy da.
Nhưng đối với cô Hiền, ở đâu cũng có cái hay và niềm vui của nó, tình cảm của các em nơi đây rất lạ nhưng ấm áp vô cùng.
Cô Hiền chia sẻ: “Hồi sinh viên mới ra trường, được phân về công tác tại huyện nhà cũng vui lắm. Nhưng không ngờ nơi gắn bó 8 năm tiếp theo là nơi khó khăn nhất huyện, lại thuộc vùng sâu, vùng xa, trên địa bàn xã Thọ Sơn.
Hồi đó, đèn điện không có, đường xá thì lầy lội, sỏi đá, cơ sở vật chất tạm bợ. Nhưng rồi, thời gian qua đi, cuối cùng lại bị chính sự chân chất của phụ huynh và học sinh nơi đây níu giữ.
Sau 8 năm lại nhận được yêu cầu điều chuyển về THCS Phúc Sơn công tác, xã Phúc Sơn cũng thuộc diện khó khăn trên địa bàn huyện.
Sự đối lập giữa học sinh trường làng và học sinh thành thị. (Ảnh minh họa)
Gắn bó tại đó 13 năm với chức vụ phó hiệu trưởng, thì năm 2013 được yêu cầu chuyển về THCS Hoa Sơn làm hiệu trưởng.
Đều ở vùng miền núi, đều là học trò trường làng nên các em có chung một điểm giống nhau, đó là sự thật thà, chân chất, dễ thương, không phải nơi đâu cũng có.
Mỗi ngày đi qua, trên gương mặt của mỗi thầy cô, lại hằn sâu thêm nếp nhăn sự nhọc nhằn, vất vả của đời thường. Nhưng sâu thẳm trong những ánh mắt ấy vẫn sáng lên một niềm tin, một tình yêu đối với nghề vô bờ bến.
Tác giả bài viết: Thy Huệ
Nguồn tin: