Thủ môn Manuel Neuer chơi vững chắc trong khung thành, giúp Đức chưa để thủng lưới bàn nào.
Trong một bài viết trên trang chủ của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), cây bút Steffen Potter đã lý giải cho thành tích ấn tượng này. Trong quá trình xây dựng đội hình cho Euro 2016, rất nhiều fan Đức đã lo lắng cho hàng phòng ngự của đội nhà. Họ có lý do chính đáng bởi trung vệ Mats Hummel gặp chấn thương bắp đùi, còn người thay thế Antonio Rudiger bị đứt dây chằng đầu gối ngay trong buổi tập đầu tiên trên đất Pháp.
Tệ hơn, đội ĐKVĐ chơi đầy run rẩy ở trận giao hữu chuẩn bị cho giải khi thất bại trước Slovakia 1-3. Nhưng đến nay sau 4 trận tại Euro, thủ môn Manuel Neuer vẫn chưa một lần phải vào lưới nhặt bóng – thành tích chỉ có Sepp Maier từng làm được ở World Cup 1978. Nếu tiếp tục tái hiện điều đó trước Italy, anh sẽ lập nên một kỷ lục mới. Trong lịch sử tuyển Đức, chưa có người gác đền nào giữ sạch lưới 5 trận liên tiếp ở một giải đấu lớn. Sepp Maier cho biết: “Tôi muốn Manuel vượt qua kỷ lục của mình, anh ấy là thủ môn hay nhất trong thế hệ của mình”.
Hai trung vệ Jerome Boateng và Mats Hummels của Đức tạo thành lá chắn vững chắc ở trung tâm hàng phòng ngự. Bên cạnh đó, họ còn tấn công rất tốt.
Điều quan trọng, HLV Joachim Loew đã tỏ ra sắc sảo trong việc đưa ra các quyết định. Ở trận ra quân gặp Ukraine, ông đã chọn Shkodran Mustafi đá trung vệ và chính cầu thủ của Valencia đã ghi bàn đầu tiên. Sau đó, ông thay Mustafi bằng Hummels ở trận đấu với Ba Lan dù nhiều người e ngại anh chưa hoàn toàn hồi phục.
Diễn biến trên sân lại cho thấy kết quả khác. Cặp trung vệ Boateng và Hummels đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi: “Họ đã làm tốt công việc phòng thủ, kể cả khi chúng tôi kiểm soát bóng. Về cơ bản, họ đã chiến thắng trước mọi thử thách khi các tiền đạo có bóng”, Joachim Loew cho biết.
Điểm yếu của tuyển Đức: Đức tấn công trơn tru, kiểm soát bóng tốt, đồng thời đoạt lại bóng rất nhanh nhưng điểm yếu lớn nhất của họ là khả năng tận dụng cơ hội kém cỏi, điển hình là cú đá penalty hỏng ăn của Ozil ở trận đấu với Slovakia. Nếu tiếp tục phung phí những pha bóng thuận lợi, họ có thể trả giá rất đắt trước Italy.
Ngoài những dấu ấn cá nhân, Đức đã theo phương pháp của Tây Ban Nha cho nghệ thuật phòng ngự: đối phương không thể ghi bàn nếu họ không có bóng trong chân. Điều này lý giải vì sao, đội bóng của Joachim Loew đứng đầu giải về thời lượng kiểm soát bóng, trung bình lên đến 64,1% mỗi trận. Cá biệt ở trận thắng Bắc Ailen 1-0, họ giữ bóng đến 79% thời gian, tung ra đến 28 cú dứt điểm. Đối thủ chống trả yếu ớt với chỉ 1 cú sút trúng mục tiêu nên Đức không khó khăn để bảo vệ được mành lưới.
Sự bền bỉ ở hàng thủ của đội ĐKVĐ thế giới cũng được đem ra so sánh với đối thủ của họ ở trận tứ kết Italy, mặc dù theo Hummels giữa hai bên vẫn có sự khác biệt. “Italy bảo vệ khung thành của mình khá sâu và hàng phòng ngự vẫn được kết hợp với nhau theo phong cách catenaccio. Còn chúng tôi phòng ngự với đội hình dâng rất cao và cố gắng giữ cho đối phương cách xa khung thành, kết hợp với phản công tổng lực sớm”.
Đội hình tối ưu và điểm số trung bình của các cầu thủ đội Đức theo đánh giá của Whoscored.
Khả năng tấn công, áp đặt đối phương cũng là yếu tố quan trọng để hàng phòng ngự được an toàn. Joachim Loew đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các tiền vệ, tiền đạo trong công việc này. Hummels hoàn toàn đồng ý: “Nếu hàng tiền vệ cho phép đối phương quá nhiều không gian hoạt động và họ chạy đến bạn, hậu vệ sẽ gặp vấn đề”.
Và một lý do khác giúp Đức chưa để thủng lưới là năng lực tấn công của các đối thủ họ đã gặp có hạn. Hàng công của Ba Lan, Ukraine, Bắc Ailen và Slovakia không thể sánh được với những đội hàng đầu châu Âu. Thử thách dành cho Neuer và đồng đội vì thế cũng ít hơn. Ngược lại trước những đội này, Đức tung ra trung bình 20,8 cú dứt điểm mỗi trận – nhiều nhất giải.
Nhưng Italy lại là câu chuyện rất khác, bởi đội bóng của HLV Conte là tập thể vững mạnh, ăn ý cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Về thành tích đối đầu, thậm chí tuyển Đức chưa đánh bại được Italy trong 8 lần gặp nhau ở World Cup hoặc Euro.
Tác giả bài viết: Hoàng Tâm
Nguồn tin: