Bà có thể cho biết lý do luật PCTN (sửa đổi) vừa được QH thông qua mà không có quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc?
Trong quá trình thảo luận về dự thảo luật PCTN (sửa đổi), vấn đề xử lý tài sản để phục vụ phòng ngừa và chống tham nhũng là nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm dưới 2 góc độ.
Thứ nhất là xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng, do vi phạm pháp luật mà có.
Theo đó, đối với tài sản Nhà nước đã chứng minh được là do phạm tội tham nhũng, do vi phạm pháp luật mà có thì quan điểm của Đảng và Nhà nước là kiên quyết xử lý nghiêm khắc, triệt để, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Pháp luật hiện hành quy định: Đối với tài sản này phải bị thu hồi trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc tịch thu sung công quỹ nhà nước. Đồng thời, người có hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý rất nghiêm minh theo quy định của pháp luật về hình sự, hành chính hoặc kỷ luật.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga |
Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua còn có những hạn chế nên ĐBQH đề nghị tăng cường hơn nữa các biện pháp như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong quá trình xử lý vụ án để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trước khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Luật PCTN đã bổ sung một số quy định quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp để ngăn chặn việc người có tài sản có thể chuyển dịch tài sản cho người khác như: Quy định về thẩm quyền của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ xác minh tài sản, thu nhập trong việc đề nghị các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản (Điều 30 và Điều 46).
Đồng thời, trong thực tế, đối với các vụ việc vi phạm, các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian gần đây, việc áp dụng các biện pháp thu hồi, ngăn chặn tẩu tán tài sản cũng đã được các cơ quan có liên quan tăng cường thực hiện, ví dụ như trong vụ xử lý tài sản trong vụ Mobiphone mua 95% cổ phần của AVG, vụ án “Vũ Nhôm”, vụ án đánh bạc trên mạng viễn thông, … nên những hạn chế trong thu hồi tài sản tham nhũng đang từng bước được khắc phục.
Thứ hai là xử lý tài sản tăng thêm mà nhà nước chưa chứng minh được do phạm tội mà có nhưng người có tài sản cũng chưa giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm giữa 2 lần kê khai.
Đối với việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giữa 2 lần kê khai mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì Chính phủ, Quốc hội cũng rất quyết tâm tìm tòi các giải pháp hữu hiệu, thiết thực để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Tuy nhiên các giải pháp đưa ra để xử lý loại tài sản này phải đáp ứng được các yêu cầu: phải chặt chẽ về tính pháp lý, không làm ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ tài sản của công dân theo Hiến pháp, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và tránh tính hình thức.
Trong quá trình thảo luận, rất nhiều phương án khác nhau được đưa ra như: Thông qua thủ tục tại Tòa án để thu hồi tài sản này cho nhà nước; thu thuế thu nhập cá nhân; xử phạt hành chính với mức xử phạt nặng; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính….
Qua nhiều phiên họp thảo luận, ý kiến của ĐBQH và cơ quan hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học pháp lý đều phân tích rất kỹ lưỡng dưới nhiều góc cạnh khác nhau và ý kiến rất phân tán, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Qua cân nhắc kỹ lưỡng, UBTVQH nhận thấy, không có phương án nào đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nêu trên.
Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Ở nước ta, tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau nên nhiều tài sản, thu nhập không còn giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội. Hệ thống thu thuế, đăng ký tài sản, thanh toán qua tài khoản chưa đáp ứng yêu cầu; pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản…
Trong bối cảnh đó thì việc xác định tính hợp lý hay không hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp. Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Qua cân nhắc thận trọng, do chưa đủ điều kiện chín muồi, chưa đạt được sự đồng thuận cao nên Quốc hội chưa đưa vào Luật quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc và nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới quy định vào trong luật.
Xử nghiêm người kê khai không trung thực
Vậy tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ được xử lý thế nào?
Nó sẽ được xử lý như quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng. Đồng thời nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.
Ngoài ra, dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.
Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì dự thảo Luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành.
Cụ thể: Người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; Người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.
Để có thể phát hiện hiệu quả và xử lý nghiêm minh người kê khai tài sản không trung thực, giải trình tài sản không trung thực, dự thảo đã sửa đổi nhiều quy định về kiểm soát tài sản: Thu gọn đầu mối, xây dựng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tập trung 1 bước; bổ sung thẩm quyền; mở rộng đối tượng, thay đổi hình thức kê khai; quy định cụ thể, rộng hơn về căn cứ xác minh, trình tự, thủ tục xác minh; cơ sở dữ liệu. Từ đó, kiểm soát hiệu quả hơn tài sản, thu nhập.
Tác giả: Trần Hải
Nguồn tin: Báo VietNamNet