Trong tỉnh

Tài nguyên ra đi, khốn khổ ở lại

Quỳ Hợp – Nghệ An, “miền khoáng sản” giàu và đẹp ấy đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm. Những đá trắng, quặng thiếc… ùn ùn về xuôi, làm giàu cho nhiều người, nhưng cùng với đó là những ngọn núi nham nhở, những con đường tan nát, những bản làng phủ trắng bụi đá… Nỗi khốn khổ ấy, người dân phải hứng chịu.

Những ngọn núi trên địa bàn huyện Quỳ Hợp bị bóc từng mảng, nham nhở vì khai thác khoáng sản

Theo số liệu từ UBND huyện Quỳ Hợp, thì trên địa bàn huyện này đang có tới 121 điểm khai thác mỏ, 176 xưởng chế biến với 158 doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Không thể phủ nhận hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương. Chỉ tính trong vòng 5 năm gần đây, thu từ hoạt động này đã mang về cho ngân sách huyện Quỳ Hợp khoảng 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ luỵ từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản là vô cùng lớn, nhất là ô nhiễm môi trường.

Trước nhất phải kể đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở Quỳ Hợp, ít có con suối nào còn “bốn mùa xanh mát”, mà thay vào đó là những dòng nước đỏ ngầu. May mắn lắm như xã Châu Tiến cũng chỉ còn những dòng suối nằm bên phải đường chưa bị ảnh hưởng, còn lại cùng chung màu đỏ đục. Đó là chưa kể, doanh nghiệp còn chặn dòng để lấy nước tuyển quặng thiếc, không chỉ gây ô nhiễm mà còn gây nên tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp.

Kế đó, tỉnh lộ 532 - con đường đi vào các xã Châu Hồng, Châu Tiến… nát tươm, bụi mù trời. Thế mà, từng đoàn xe tải hạng nặng hàng ngày thi nhau cày xới mặt đường. Đã có dự án nâng cấp, cải tạo con đường này, nhưng nhà tài trợ đã phải lắc đầu, vì không đường nào cho lại để “cõng” một lượng xe cộ khủng khiếp như vậy. Trả lời PV Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lương Văn Long – Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, buồn bã nói: “Bà con chúng tôi lại phải vật lộn với con đường khốn khổ này không biết đến bao giờ”.

Trong lúc đó, việc điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản năm 2010 cho huyện và xã chẳng đáng là bao. Đơn cử như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp trong 5 năm qua là trên 56 tỷ đồng, nhưng huyện và xã chẳng được đồng nào để đầu tư phát triển. Hoặc, theo Nghị định 164/2016 của Chính phủ thì phí bảo vệ môi trường (trừ khai thác khí và dầu thô), địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản được hưởng 100% để hỗ trợ công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường. Thế nhưng trong tổng số thu 42 tỷ đồng, huyện Quỳ Hợp chỉ mới được “rót” 9 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp rất bức xúc: “Mang tiếng là huyện giàu tài nguyên khoáng sản nhưng chúng tôi hầu như không được gì, trong khi mất thì quá nhiều; từ ô nhiễm môi trường, mất đất sản xuất, mất an ninh trật tự…”.

Rất chia sẻ với ông Chủ tịch huyện Quỳ Hợp, bởi sự bức xúc của ông cũng chính là nỗi niềm của bà con. Hãy làm một phép tính, để rõ ra rằng, tiền thu từ khai thác khoáng sản, nói là nhiều nhưng có bù lại cho đường sá hư hỏng, có bù lại cho môi trường bị huỷ hoại, đó là chưa kể những ảnh hưởng khác không thể cân đo đong đếm được bằng tiền. Không bức xúc sao được, khi mà tài nguyên khoáng sản cứ cấp tập ra đi, còn những nỗi khốn khổ thì người dân phải gánh chịu một cách “bền vững”.

Tác giả: Việt Thắng

Nguồn tin: Báo Dân tộc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP