Pháp luật

Súng cho công an xã: Không giao tràn lan

Cần nâng chất lực lượng công an xã, còn trước mắt chỉ nên cấp vũ khí quân dụng cho cá nhân trưởng công an mà thôi.

Trên số báo trước chúng tôi phản ánh quan điểm góp ý của các chuyên gia, người trong cuộc là chưa nên trang bị vũ khí quân dụng cho công an xã vì họ không là lực lượng chiến đấu, không là lực lượng chuyên nghiệp…

Tuy nhiên, không ít người lại ủng hộ việc cấp vũ khí cho công an xã nhưng kèm nhiều điều kiện khác…

Trang bị nhưng kiểm soát chặt

Trao đổi về vấn đề trên, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, cho rằng trước khi đưa vào dự thảo thông tư, Bộ Công an phải căn cứ vào thực tế xã hội.

Theo ông Phương, dù lực lượng công an xã hiện nay không được đào tạo chính quy nhưng cũng qua tập huấn căn bản, nắm được pháp luật và chịu trách nhiệm về hành vi sử dụng vũ khí quân dụng của mình.

“Tôi nghĩ Bộ Công an cũng có tính toán đối tượng nào giao trước, đối tượng nào giao sau chứ không trang bị một cách tràn lan, kèm với đó là huấn luyện về kỹ thuật sử dụng, quản lý vũ khí quân dụng vì vấn đề này không đơn giản” - đại biểu Phương nói.

Luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, phân tích: Xã, phường là địa bàn đầu tiên trực diện đấu tranh với tội phạm, có thể đang xảy ra hoặc chuẩn bị thực hiện và khó lường được hết mọi tình huống manh động của tội phạm. Do được trang bị kém, lực lượng mỏng nên đã có nhiều công an xã hy sinh và bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ.

“Do vậy, tôi ủng hộ việc trang bị vũ khí theo nội dung của dự thảo thông tư” - ông nói và nhìn nhận có một vài trường hợp lạm dụng, tùy tiện sử dụng vũ khí gây nguy hiểm nhưng chỉ là số ít.

Ông đề xuất là trước khi giao vũ khí quân dụng cho công an xã, Bộ Công an cần có kế hoạch bồi dưỡng nhận thức chính trị, nhiệm vụ và kỹ năng sử dụng vũ khí cho lực lượng bán chuyên nghiệp này. “Trình độ văn hóa thấp không phải là yếu tố quyết định đến việc có giao vũ khí quân dụng cho công an xã hay không” - ông nói.

Trưởng Công an xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An nổ súng bắn đạn cao su vào chủ tịch xã do bị nhắc nhở. Ảnh: CTX

Chỉ cấp cho trưởng công an xã?

Trao đổi với PV, một lãnh đạo cấp cục của Bộ Công an cho hay việc lo lắng khi trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng công an xã là có cơ sở. Bởi họ thuộc lực lượng vũ trang thì đương nhiên sử dụng vũ khí nhưng vấn đề họ lại là lực lượng vũ trang bán chuyên trách nên gây băn khoăn.

“Không thể không trang bị nhưng phải đi kèm nhiều điều kiện để được cấp; ai cấp; cũng như việc quản lý, bảo quản, sử dụng… một cách cụ thể” - ông nói.

Vị này cũng cho là không phải tất cả công an xã đều được trang bị súng mà chỉ những nơi phức tạp về an ninh trật tự. “Súng là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người nhưng rất cần thiết trong phòng, chống tội phạm” - vị này cho biết.

“Cùng với việc trang bị súng là nâng cao công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng này, dự thảo thông tư chỉ quy định về trang bị còn sử dụng, quản lý hoặc quyền hạn cụ thể ra sao thì phải còn nhiều văn bản chặt chẽ khác” - ông gút.

• Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội: Công an xã là một lực lượng của Bộ Công an, mặc dù về mặt pháp lý họ chỉ được coi là lực lượng bán vũ trang, thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Theo tôi, việc trang bị súng quân dụng cho lực lượng công an xã không vấn đề gì, đặc biệt tới đây Quốc hội xem xét ban hành Luật Công an xã.

Cái cần là quy định rõ về đối tượng, trường hợp cụ thể chứ không nên trang bị thường xuyên, rộng khắp. Bộ Công an sẽ có trách nhiệm quy định, huấn luyện cho lực lượng này bằng việc đào tạo bài bản chứ không phải cứ tuyển dụng vào lực lượng công an xã là được trang bị vũ khí quân dụng ngay.


• Đại tá Lê Tôi Sủng, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Để được chính thức trang bị, sử dụng súng còn phải tuân thủ các quy định hết sức nghiêm ngặt, phải qua các lớp huấn luyện về bắn súng, bảo quản... Bởi ngay cả lực lượng công an chính quy, mỗi khi làm nhiệm vụ, muốn sử dụng các loại súng quân dụng cũng phải tuân thủ quy định. Vì vậy không nên ngại trang bị súng cho công an xã.

Một công an xã ở TP.HCM cũng cho rằng giao vũ khí quân dụng cho lực lượng là điều cần thiết nhưng kèm theo đó là công tác bồi dưỡng, tập huấn, cấp giấy chứng nhận và hành lang pháp lý về sử dụng súng vì những quy định sử dụng súng chưa rõ ràng.

“Nếu cấp vũ khí quân dụng cho công an xã, cơ quan chức năng phải căn cứ vào tình hình an ninh trật tự thực tế ở địa phương chứ không cấp tràn lan” - ông này nói.

Còn luật sư Trương Vĩnh, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhìn nhận là trình độ học vấn của công an xã chưa cao (vùng sâu chỉ cần hết tiểu học), ít được đào tạo, tập huấn về pháp luật, việc lựa chọn tuyển dụng còn thiếu chặt chẽ nên cần cân nhắc.

“Nếu cần thiết thì chỉ nên trang bị vũ khí quân dụng cho trưởng công an xã mà thôi” - ông nói.

Nên nâng chất trước khi giao súng

Theo quy định hiện hành, tiêu chuẩn học vấn của trưởng, phó công an xã là người đã học xong chương trình THPT trở lên; công an viên là THCS trở lên. Với miền núi, vùng sâu, vùng xa, trưởng công an xã, phó trưởng công an xã và công an viên có thể thấp hơn nhưng cũng phải là người đã học xong chương trình tiểu học trở lên.

Trong dự luật công an xã đang được lấy ý kiến, tiêu chí này vẫn giữ nguyên.

Về địa vị pháp lý, dự luật cũng giữ nguyên như Pháp lệnh Công an xã là “lực lượng vũ trang bán chuyên trách” và “được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với nhiệm vụ được giao” theo hướng dẫn của bộ trưởng Bộ Công an.

Hiện đa số xã không trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng này mà chỉ sử dụng các công cụ hỗ trợ và họ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Thực tế khác là đã xảy ra hàng loạt trường hợp công an xã quản lý, sử dụng súng công cụ hỗ trợ chưa đúng nên người dân lo lắng “nếu đó là súng bắn đạn thật, hậu quả khó lường” là có cơ sở.

Để xử lý những vấn đề phát sinh trong thôn bản, làng xã, cần người hiểu biết pháp luật, kỹ năng quản lý, hóa giải mang tính chất quản lý xã hội nhiều hơn là đấu tranh, trấn áp bằng việc sử dụng vũ khí. Vì vậy theo chúng tôi, ở thời điểm hiện tại chưa nên trang bị vũ khí quân dụng cho công an xã cho đến khi nâng chất lực lượng này. Bởi các công cụ hỗ trợ như súng bắn điện, bắn đạn nhựa, hơi cay, chất gây mê, lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ, dùi cui điện… đã đủ trấn áp ban đầu. Nếu cần đã có công an chính quy xử lý.

Tác giả: NHÓM PV

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP