Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp và Môi trường, trên địa bàn khu vực Quỳ Hợp, Nghệ An có tổng cộng 42 xưởng chế biến khoáng sản chưa có thủ tục thuê đất theo quy định, bao gồm 22 tổ chức và 20 hộ cá thể. Qua phân loại, có 13 tổ chức, 13 hộ cá thể sử dụng đất trước ngày 1/7/2014; 9 tổ chức, 4 hộ cá thể sử dụng đất sau mốc thời gian trên; 3 hộ cá thể cam kết tự tháo dỡ.
![]() |
Mang danh "thủ phủ khoáng sản" nhưng công tác quản lý, khai thác, kinh doanh tại khu vực Quỳ Hợp còn tồn tại muôn vàn nỗi lo. Ảnh: Ngọc Linh. |
Mặc dù thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện nhưng hiện trạng sử dụng đất đâu đã vào đấy khi phần đa các tổ chức, hộ cá thể đã chủ động đi tắt đón đầu, tự ý xây dựng nhà xưởng, nhà công nhân, bãi tập kết, hố lắng chất thải và các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định.
![]() |
Công ty CP Open Việt Nam có tên trong danh sách vi phạm. Ảnh: Việt Khánh. |
Điển hình như Công ty CP đầu tư Đại Gia Phát thực hiện hành vi lấn, chiếm hơn 4.663 m2 đất nông nghiệp để xây dựng hệ thống xưởng chế biến đá, công trình phụ, bể lắng, bãi tập kết vật liệu tại Cụm công nghiệp Thung Khuộc, Quỳ Hợp, thời gian được xác định từ tháng 6/2018; Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Hoàng Anh chiếm 1.891 m2 đất nông nghiệp xây 1 nhà xưởng, nhà điều hành, nhà bảo vệ, nhà ở công nhân, nhà bếp, công trình phụ từ tháng 10/2015.
Hay như Công ty TNHH khoáng sản Lợi Thành có hành vi lấn chiếm 2.099 m2 đất nông nghiệp để xây dựng xưởng chế biến đá, công trình phụ, bãi tập kết vật liệu, nhà ở công nhân trên diện tích 2099,9 tại thửa số 05, tờ bản đồ số 49, thuộc xóm Rồng, xã Châu Lộc (cũ)…
UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) đã chỉ đạo UBND cấp xã yêu cầu các tổ chức, hộ cá thể hoàn thành hồ sơ thuê đất, đồng thời tiến hành lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Mặt khác kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn trình tự, thủ tục hòng sớm tháo gỡ "nút thắt" cho doanh nghiệp?.
![]() |
Tương tự là Công ty TNHH Tân Hà An cũng lấn chiếm đất. Ảnh: Việt Khánh. |
Văn bản số 463/UBND-NNMT phát đi ngày 14/3/2025 gửi UBND tỉnh Nghệ An và Sở Nông nghiệp và Môi trường, huyện Quỳ Hợp (cũ) khẳng định trong số 42 xưởng có 6 xưởng (5 hộ cá thể, 1 tổ chức) không đảm bảo yêu cầu về khoảng cách, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới, do đó buộc phải tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng. 36 xưởng có thể xem xét cho phép tiếp tục hoạt động.
Để các tổ chức, hộ cá thể sử dụng đất hoàn thiện thủ tục thuê đất, UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) “hiến kế” như sau:
Đối với trường hợp các tổ chức đã sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 (10 doanh nghiệp), giao cho UBND kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng. Với các tổ chức sử dụng đất không tranh chấp, đã hoàn thành công tác bồi thường, GPMB, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường thì cho phép thực hiện đăng ký đất đai và cấp giấy chứng quyền sử dụng đất.
Đối với các tổ chức sử dụng đất sau ngày 1/7/2014 (5 doanh nghiệp), nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành thì thực hiện lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, thuê đất theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường; đối với các hộ các thể (15 trường hợp), UBND tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định tại khoản 2, Điều 123 Luật Đất đai 2024.
![]() |
Hành vi vi phạm tồn tại dai dẳng nhưng tỉnh Nghệ An chưa tìm ra phương án tháo gỡ. Ảnh: Việt Khánh. |
Tác giả: Việt Khánh - Ngọc Linh
Nguồn tin: nongnghiepmoitruong.vn