Kinh tế

Sự thật đáng sợ về loại đũa dùng một lần

Đũa dùng một lần đang được sử dụng phổ biến tại các quán ăn, nhất là các hàng quán trên hè phố bởi sự tiện dụng, giá thành rẻ. Song, ít ai biết rằng, trong quá trình sản xuất, những đôi đũa dùng một lần được ngâm tẩm đủ loại hóa chất độc hại.

Đũa dùng một lần là vật dụng quen thuộc tại các hàng quán mấy năm gần đây, nhất là mua cơm hộp hay ngồi ăn tại những quán vỉa hè. Chúng được sử dụng nhiều vì giá thành siêu rẻ. Khách ăn xong bỏ luôn, không mất công dọn rửa lại.

Hơn nữa, loại đũa dùng một lần được ưa chuộng vì đa phần mọi người cho rằng đũa dùng một lần rồi bỏ, không tái sử dụng nên sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh hơn khi dùng đũa nhiều lần.

Trên thị trường, các loại đũa dùng một lần được bày bán tràn lan với mức giá siêu rẻ. Chúng thường được bán theo cân hay theo bao, chứ không bán theo đôi như đũa dùng nhiều lần. Người tiêu dùng có thể mua đũa dùng một lần tại bất cứ chợ nào với số lượng lớn.

Đũa dùng một lần được sử dụng phổ biến tại các quán ăn bình dân

Tại các chợ, đũa tre dùng một lần đóng gói 5-10 kg/bao, có giá 20.000-40.000 đồng/bao, đũa bọc ni lông từng đôi được bán 25.000 đồng/bao (5 kg). Một số nơi bán với giá 8.500 đồng/bó 60 đôi (giá khoảng 140 đồng/đôi). Theo quan sát, các loại đũa dùng một lần đều trắng, nhẵn bóng nhìn khá bắt mắt.

Vậy, tại sao đũa dùng một lần lại có giá rẻ? Vì sao giá rẻ vậy mà đũa vẫn bóng đẹp chẳng kém gì đũa dùng nhiều lần,...?

Chương trình Nói không với thực phẩm bẩn của VTV24, các PV đã phát hiện ra, tại các cơ sở sản xuất đũa ăn một lần ở xã Vạn Mai (Mai Châu, Hòa Bình), mỗi ngày có hàng chục tấn đũa dùng một lần được làm bằng tre tươi được để la liệt dưới nền đất đầy bụi bẩn. Để đũa không bị mốc và mối mọt, lại trắng muốt, các cơ sở sản xuất đũa tại đây đã ủ và sấy đũa với một loạt hóa chất lưu huỳnh.


Khi vạch bạt che phủ đống đũa trong quá trình ủ và sấy, phóng viên còn bị tức ngực, chóng mặt vì ngửi phải khói từ đống đũa bay ra.

Ngoài sử dụng hàng tấn chất lưu huỳnh, tại các cơ sở này, người ta còn sử dụng một loại bột trắng để tạo độ trơn bóng cho đũa. Trong khi, loại bột này trên bao bì ghi rõ chỉ dùng cho công nghiệp. Nhưng, bột đã được rải lên đũa - một dụng cụ dùng để trực tiếp ăn uống.

Đáng chú ý, khi chuyên gia thuộc Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) thực hiện một vài xét nghiệm kiểm tra nhanh bằng cách ngâm mẫu đũa ăn vào nước nóng lấy từ hai cơ sở ở xã Vạn Mai, chỉ sau vài giây, cốc nước đã chuyển sang màu vàng nhạt, xuất hiện vẩn đục cùng lớp màng trắng với nhiều tạp chất nổi lên.

Kết quả phân tích phát hiện cả hai mẫu đũa đều phát hiện còn lưu huỳnh tồn dư, với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn gần 2 lần, nếu so với tiêu chuẩn nước ăn uống.

Để cho đũa dùng một lần được trắng, bóng, không bị mốc, người sản xuất đã ngâm một số loại hóa chất độc hại

Trước đó, vào thời điểm giữa tháng 3, lực lượng chức năng ở Nghệ An đã phát hiện một cơ sở sản xuất đũa dùng một lần tại xã Thạch Giám (Tương Dương) sử dụng hóa chất lưu huỳnh để chống mốc, đồng thời thu giữ hơn 9 tấn hóa chất lạ trong các bao bì in chữ Trung Quốc.

Chia sẻ trên VTV24, PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết: "Lưu huỳnh ở đây là lưu huỳnh công nghiệp, quy định không được dùng trong thực phẩm. Các nhà sản xuất nghĩ rằng chỉ đưa vào trong đũa thôi chứ không phải là trong thực phẩm. Nhưng đũa đấy lại dùng để ăn nên lưu huỳnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe".

Tuy nhiên, kết quả phân tích cũng cho thấy, hàm lượng lưu huỳnh và các tạp chất thôi nhiễm từ đũa cũng giảm đáng kể qua 3 lần ngâm đũa trong nước.

Vì thế, PGS.TS Doãn Ngọc Hải khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng nên ngâm rửa nhiều lần loại đũa này trước khi sử dụng, bởi lâu nay chúng ta vẫn có thói quen dùng trực tiếp ngay sau khi bóc bao bì.

Trong khi đó, TS Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cũng cho biết, nếu dùng với liều lượng cho phép thì SO2 (lưu huỳnh điôxit) bám vào đũa ít và vì là khí nên dễ bay hơi mất nên khi dùng gắp thức ăn không hại cho người dùng. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu hàm lượng lớn sẽ có hại. Trong trường hợp này khi bóc lớp nilon bao gói đũa ra, người tiêu dùng nên ngửi trước, nếu thấy mùi hăng hắc là SO2 đã bị sử dụng quá liều, không nên dùng.

Tác giả bài viết: Châu Giang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP