Pháp luật

Sự thật dần hé lộ trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai”

Như Báo CAND đã đưa tin, ngày 12-5-2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Cao Thị Cúc (sinh năm 1960, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự.

Trước đó, ngày 5-1-2022, Công an huyện Đức Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thanh Hoàn Nguyên (sinh năm 1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991) và Lê Thanh Trùng Dương (sinh năm 1995), cùng tạm trú tại nhà bà Cúc; riêng ông Lê Tùng Vân (sinh năm 1932) cũng bị khởi tố nhưng do già yếu nên được tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú.

1. Trước đây, bà Cao Thị Cúc thường trú tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Năm 2014, bà bán đất đai, ruộng vườn rồi đến xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa mua lại nhà, đất (rộng gần 2.000m2) rồi chuyển về sinh sống, sau đó sửa chữa làm điểm tu tại gia. Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân, sinh năm 1932 tại tỉnh An Giang (thường trú phường 10, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) chuyển về đây sinh sống, cả hai đã “biến” điểm tu tại gia này thành nơi gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” và đến tháng 1-2020, nhằm né tránh những ồn ào tự gây ra, ông Lê Tùng Vân đổi tên thành cái gọi là “Thiền am bên bờ vũ trụ”.

Bà Cao Thị Cúc tại cơ quan Công an.

Mặc dù không xin phép cơ quan chức năng địa phương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bà Cao Thị Cúc và ông Lê Tùng Vân mua sắm rất nhiều pho tượng phật mang về kê trên các kệ được thiết kế sẵn, cạo đầu trọc, mua quần áo, pháp phục nhà phật về mặc và còn trang bị cho những người trong hộ gia đình này. Đặc biệt, cả hai còn đạo diễn để trong những lần quay clip đưa lên mạng, ông Vân còn mặc áo hầu vàng (vốn chỉ có Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng mới được mặc) ngồi chễm chệ trên bệ cao rồi dàn dựng cho một số phụ nữ quỳ dưới sàn nhà thắp nhang lạy mình giống như đang lạy phật. Ngoài ra, cả hai còn dựng clip ông Lê Tùng Vân làm lễ xuất gia cho hai cô gái là Võ Thị Diễm My và Trương Ngọc Xuân.

Ngay sau khi xuất hiện một số clip trên mạng xã hội, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị dự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Giác Ngộ đã lên tiếng rằng Lê Tùng Vân là người tu tại gia thì không thể làm lễ xuất gia cho người khác theo luật Phật. Cụ thể, theo các video clip đăng trên YouTube và các trang mạng xã hội, khi làm lễ xuất gia cho Võ Thị Diễm My và Trương Ngọc Xuân, ông Lê Tùng Vân tuyên bố không tuân thủ theo 5 điều đạo đức phật dạy. Một người nào đó cho rằng mình là phật tử tu tại gia mà không theo giới luật của phật quy định thì không thể là phật tử? Trong trường hợp này, ông Lê Tùng Vân chưa bao giờ xuất gia, chưa bao giờ thọ giới Sa di hay Tỳ kheo mà công khai làm lễ xuất gia cho người khác là vi phạm nghiêm trọng các quy định giới luật nhà Phật. Với việc làm này, ông Vân đã lừa đảo tín đồ Phật giáo, gián tiếp dẫn dắt người xem tin rằng mình là phật.

Để lôi kéo sự ủng hộ của những tín đồ nhà Phật đến ủng hộ tiền bạc, vật chất, bà Cúc và ông Vân cho dựng nhiều dãy nhà, đưa một số trẻ em vào ở, quay clip rồi tung hê trên mạng rằng đây là “mái ấm cho trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa”. Sau nhiều lần bị nhắc nhở về việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, không đăng ký tạm trú, tạm vắng gây mất an ninh trật tự tại địa phương, UBND huyện Đức Hòa đã giao công an huyện phối hợp với các phòng nghiệp vụ và các ban ngành chức năng địa phương vào cuộc, kết quả xác minh đã phơi bày sự thật: Đa số trẻ sống trong hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa.

Bà Cao Thị Cúc và những người trong hộ gia đình làm việc với cơ quan chức năng.

Lần kiểm tra vào đầu năm 2020, hộ bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú nhưng không rõ cha. Địa điểm này cũng đã lợi dụng danh nghĩa cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tâm linh nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân. Mặc dù trước đó luôn mạo nhận là “Thầy ông nội”, thầy “Thích Tâm Đức” và “Bồng Lai” là chùa và nếu ai muốn vào, kể cả chính quyền đều phải bấm chuông và phải được người trong chùa đồng ý, nhưng khi đối mặt với cơ quan chức năng, ông Lê Tùng Vân lại quay 180 độ nói rằng: “Đây không phải là chùa, không phải là cơ sở tôn giáo...”. Tuy nhiên, ngay sau khi bị các cấp chính quyền xử lý, bà Cúc và ông Vân lại tiếp tục chỉ đạo cho những người tại đây tạo thêm nhiều trang cá nhân khác trên mạng xã hội để thu hút người xem và ủng hộ nhằm trục lợi.

2. Trở lại vụ việc, trước đó vào ngày 5-1-2022, Công an huyện Đức Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Tùng Vân, bắt tạm giam các đối tượng: Lê Thanh Hoàn Nguyên (sinh năm 1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991), Lê Thanh Tùng Dương (sinh năm 1995), cùng trú tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tất cả đều bị khởi tố về tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự.

Tại Cơ quan công an, Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên, Tùng Dương luôn vòng vo né tránh không đi vào trọng tâm của vụ việc và hầu như không trả lời bất cứ câu hỏi nào của điều tra viên, còn khi mở miệng thì chỉ một câu “chờ luật sư của chúng tôi đến trả lời”. Mặc dù phải mất nhiều thời gian và đối mặt với sự thiếu hợp tác của các bị can nhưng cuối cùng các điều tra viên cũng đã thu thập được nhiều chứng cứ xác thực buộc các đối tượng phải cúi đầu nhận tội. Ngoài ra, Cơ quan công an cũng củng cố đầy đủ chứng cứ phạm tội để ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở đối với bà Cao Thị Cúc.

Cơ quan Công an khám xét nơi ở của bà Cao Thị Cúc.

Trước khi bị khởi tố, tại nơi gọi là “Tịnh thất Bồng Lai - Thiền am bên bờ vũ trụ” có sự phân công rõ ràng. Theo đó, ông Lê Tùng Vân là người ra quyết định cuối cùng, bà Cao Thị Cúc với vai trò là chủ hộ và cũng là người cất giữ toàn bộ tiền bạc mà các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ, lập sổ sách để chi theo chỉ đạo của ông Vân. Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên được giao vai trò chụp ảnh, quay các clip mang về dựng lại để lồng ghép thêm những nội dung không đúng với hướng dẫn của pháp luật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam rồi đưa cho ông Vân kiểm duyệt trước khi tung lên mạng xã hội. Một số trong các clip mà nhóm này tung lên mạng đã tạo môi trường cho những kẻ phản động nhảy vào nói xấu, bôi nhọ và chống phá chính quyền.

Điển hình, trong các ngày 9-9 và 5-10-2019, Công an xã Hòa Khánh Tây tiếp nhận “Đơn xin giải quyết” của vợ chồng ông Võ Văn Thắng, bà Đoàn Thị Tuyết Mai, trú tại 15/2 đường 20, KP1, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh về việc con gái bà là Võ Thị Diễm My bỏ nhà đi vào ngày 7-9-2019. Qua xác minh, được biết Diễm My có quen biết với Lê Thanh Huyền Trân, sinh năm 2002 (là người của “Tịnh thất Bồng Lai”) và được cô Trân mời đến hộ bà Cao Thị Cúc chơi rồi không về nên ngày 25-9-2019, Công an xã Hòa Khánh Tây tiến hành kiểm tra nhưng không phát hiện Võ Thị Diễm My tạm trú tại đây. Ngay sau buổi kiểm tra này thì bà Cao Thị Cúc lại có đơn gửi đến Cơ quan công an tố cáo việc vợ chồng ông Thắng kéo người đến nhà bà là xâm phạm gia cư bất hợp pháp và trong nhà bị mất số tiền và tài sản lên đến gần 300 triệu đồng.

Để làm rõ nội dung trong các đơn tố cáo giữa bà Cúc với vợ chồng ông Thắng và ngược lại, ngày 12-12-2019, Công an huyện Đức Hòa mời bà Cao Thị Cúc và cô Võ Thị Diễm My với vợ chồng ông Võ Văn Thắng lên làm việc. Khi Cơ quan công an yêu cầu bà Cúc giao cô Võ Thị Diễm My cho gia đình ông Thắng đưa về nhà để điều trị bệnh thì bà Cúc, ông Vân cùng 6 người trong hộ đã có hành vi gây rối, trong đó Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Hoàn Nguyên liên tục quay phim, chụp ảnh và lu loa rằng công an huyện đã bắt cóc, làm mất tích Diễm My, rồi gia đình cô Diễm My sẽ đến giết họ... Thậm chí, ông Vân còn giả bộ lên cơn tăng xông rồi nằm ra ghế trước sảnh Cơ quan công an nhằm lu loa vu vạ...

Công trình bà Cúc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Trước hành vi sai phạm trên, Công an huyện Đức Hòa yêu cầu nhóm người này xóa hết video, không được quay phim, chụp ảnh trong cơ quan và mời họ ra ngoài. Sau khi ra ngoài, nhóm người này tiếp tục vu cáo, tụ tập đông người gây cản trở giao thông nên công an huyện phải điều lực lượng đến đảm bảo ANTT, giải thích cho mọi người hiểu và đến trưa cùng ngày nhóm này mới chịu quay trở về hộ bà Cúc.

Ngay ngày hôm sau, những người trong hộ bà Cúc đã đăng video, bài viết lên mạng xã hội (Facebook, YouTube) vu cáo Công an huyện Đức Hòa bắt cóc, làm mất tích Diễm My; vu cáo gia đình cô Diễm My đến giết họ; kích động cộng đồng mạng, quần chúng biết tin đến nhà ông Thắng để giải cứu, đòi lại cô Diễm My cho hộ bà Cúc. Những đoạn clip vu cáo Cơ quan công an được tung lên mạng đã tiếp tay cho những kẻ cơ hội và một số đối tượng phản động trong và ngoài nước lợi dụng vụ việc để bôi xấu, chống phá chính quyền.

Tác giả: Đức Cương

Nguồn tin: antg.cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP