Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao nhất phổ biến từ 35 - 38 độ, có nơi trên 38 độ.
Tại Hà Nội, không khí ngoài trời trong ngày thậm chí còn cảm thấy nóng hơn vài độ do hiệu ứng đô thị đến từ những toà nhà bê tông, mặt đường nhựa, khói xe máy, ô tô,...
Trước cái nóng như “thiêu đốt”, nhiều hộ gia đình, văn phòng, công sở đã chọn giải pháp “đi trốn” dưới làn gió mát lạnh của điều hoà để duy trì sự tỉnh táo, dễ chịu. Nhưng sử dụng điều hoà thế nào để không “sướng trước, khổ sau”, thì không phải ai cũng biết.
Trời càng nóng, điều hoà càng dễ hỏng
|
Trước nền nhiệt gia tăng mạnh trong những ngày qua, chắc hẳn nhiều người dùng sẽ nhận ra chiếc điều hoà mà bạn vẫn sử dụng hàng ngày giờ đây bỗng hoạt động kém hiệu quả.
Cụ thể, chúng sẽ mất nhiều thời gian hơn để làm mát, và ngay cả khi bật ở công suất tối đa thì vẫn kém hiệu quả hơn trước. Tại một số vị trí trong căn phòng như tại các góc, bạn cũng sẽ không thấy khí mát.
Điều này khiến một số người cầm chiếc điều khiển và tiếp tục giảm nhiệt độ, thậm chí là xuống mức cực thấp như 18-19 độ C nhằm tìm lại cảm giác “mát lạnh”. Tuy nhiên, lại không hề biết rằng việc này lại khiến những chiếc điều hoà dễ bị hỏng hơn bao giờ hết.
“Trời càng nóng thì điều hòa càng dễ hỏng”, một thợ sửa điều hoà lâu năm chia sẻ. “Các dòng điều hòa thông thường chỉ chịu được công suất cao khi ngoài trời đạt từ 42-45 độ C. Nếu ngoài trời đạt nhiệt độ cao hơn mức đó thì điều hòa sẽ chạy mãi mà không tới được mức nhiệt yêu cầu. Từ đó khiến điều hòa chạy liên tục mà không được nghỉ ngơi, lâu dài sẽ dẫn tới hỏng”.
Người này cũng cho biết khi sửa chữa điều hòa, thông thường các thợ sẽ tính tiền công sửa riêng, ngoài ra nếu thay thế linh kiện sẽ tính thêm tiền mua linh kiện mới.
Tuy nhiên, công việc sửa điều hòa được đánh giá là dễ moi tiền của khách hơn so với lắp đặt, bởi không phải khách hàng nào cũng hiểu về điều hòa. Trong mùa cao điểm, phí sửa điều hoà có thể dao động từ vài trăm ngàn, tới cả triệu đồng, tuỳ theo lỗi nặng hay nhẹ.
Di chuyển giữa phòng điều hoà và môi trường ngoài dễ bị sốc nhiệt
|
Thói quen chỉnh nhiệt độ thấp không chỉ gây hại cho những chiếc điều hoà, mà ngay cả đối với chính sức khoẻ của gia đình bạn. Trong đó hay gặp nhất là tình trạng sốc nhiệt.
Hiện tượng sốc nhiệt dễ xảy ra khi từ bên ngoài trời nắng nóng đột ngột vào phòng điều hoà mát lạnh, hoặc từ trong nhà bước ra ngoài mặt đường. Bên cạnh đó, sốc nhiệt còn dễ xảy ra khi bước lên xuống xe ô tô có điều hoà, với nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 39 độ C.
Biểu hiện của sốc nhiệt đó là người bị nhẹ thì choáng váng, đau đầu, buồn nôn, cảm lạnh, nghẹt mũi, viêm họng nặng hơn thì xuất hiện ảo giác, sốt cao, tim đập nhanh, huyết áp hạ... Nghiêm trọng nhất là người bị sốc nhiệt có thể bị ngột thở, đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Để hạn chế điều này, người dùng cần đặc biệt lưu ý không nên để nhiệt độ quá thấp. Mức khuyến cáo được đưa ra là không thấp hơn 7 - 10 độ C so với môi trường ngoài. Thí dụ nhiệt độ ngoài trời là 38 độ C, thì bạn chỉ nên để máy lạnh tối thiểu là 28 độ C.
Nếu ngoài trời nóng hơn, bạn cũng nên cân đối mức nhiệt để phù hợp. Trong những ngày nắng nóng cao điểm, sự hạn chế này có thể khiến bạn hơi khó chịu vì không có cảm giác mát lạnh vốn dĩ khi ngồi trước máy điều hoà. Nhưng bù lại, nó sẽ mang đến cho bạn và gia đình một sức khoẻ tốt.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí