Khi thực hiện ở Việt Nam, bên cạnh việc tôn trọng nguyên tác về xây dựng mối quan hệ căng thẳng, gay gắt, thậm chí coi nhau như kẻ thù giữa mẹ chồng - nàng dâu, đạo diễn Vũ Trường Khoa cũng chủ động cải biên, thay đổi một vài tình tiết để phim bớt khốc liệt so với bản gốc.
Tuy vậy, Sống chung với mẹ chồng vẫn bị nhiều khán giả truyền hình chê là "thiếu nhân văn", "thiếu tính giáo dục", "thông điệp mơ hồ, không ý nghĩa" vì phim không có nổi một nhân vật tử tế. Các tuyến nhân vật chính đều "sứt mẻ" về nhân cách hoặc không phù hợp với thời hiện đại.
NSND Lan Hương vào vai bà mẹ chồng tai quái trên phim. Ảnh: VFC.
Mẹ chồng thiếu nhân văn
Bà Phương có lẽ là một trong những nhân vật bị ghét nhất Sống chung với mẹ chồng. Nhân vật này được cho là "thủ phạm" khiến cuộc hôn nhân của Vân và Thanh tan vỡ. Không chỉ xét nét, soi mói, can thiệp thô bạo vào đời sống riêng của vợ chồng con trai, bà Phương còn cư xử như người vô học với thông gia và bạn của con dâu.
Cảnh bà Phương ném 350 triệu đồng xuống đất, sỉ nhục gia đình con dâu và vu oan cho Vân đánh mình gần như là đỉnh điểm trong sự "sứt mẻ" nhân cách của một người mẹ chồng.
Sự tai quái của bà Phương nhận không ít phản hồi bất bình trên mạng xã hội. Và như một diễn biến tâm lý tự nhiên, số đông khán giả đang chờ đợi bà Phương bị "quả báo" khi rước Diệp - một nàng dâu mưu mô, thủ đoạn về nhà.
Ngoài bà Phương - một nhân vật gần như không có gì để học hỏi - phim còn xây dựng hình ảnh một bà mẹ chồng nhà quê, cổ hủ, trọng nam khinh nữ là mẹ của Tùng. Ở những tập đầu, bà Điều khiến nhiều người xem thương cảm, nhưng càng về sau lại càng bị chê trách.
Bà Điều thường xuyên ép con dâu đi siêu âm để biết trai hay gái. Khi Trang sinh, bà cũng thở dài khi biết mình chưa có cháu đích tôn. Đỉnh điểm của sự thiếu nhân văn ở nhân vật này là ép vợ chồng Tùng - Trang sinh thêm con nữa. Và bằng mọi giá phải là con trai nếu không thì "nhà mình vô phúc".
Sự hiền lành, chất phác của một bà mẹ quê gần như mất điểm hoàn toàn trong cảm nhận của khán giả với tư tưởng phong kiến nặng nề.
Thu Quỳnh đảm nhận nhân vật Trang - một nàng dâu luôn có định kiến với mẹ chồng. Ảnh: VFC.
Nàng dâu tiêu cực
Ngoài những bà mẹ chồng thiếu nhân văn, Sống chung với mẹ chồng còn xây dựng hình tượng những nàng dâu tiêu cực. "Cuộc chiến" mẹ chồng - nàng dâu trên màn ảnh bỗng trở nên cân sức, "kẻ tám lạng người nửa cân", khán giả không thể bênh vực ai trọn vẹn.
Bà Phương quái ác nhưng Minh Vân cũng là nàng dâu không vừa. Không tinh tế trong cách ứng xử đã đành, Vân còn luôn coi mẹ chồng như một người ngoài đúng nghĩa.
Trong những cuộc trò chuyện với chồng, cô thường gọi bà Phương là “mẹ anh”. Không dừng lại ở đó, Vân thậm chí còn cãi nhau tay đôi với mẹ chồng và cho rằng bà là người có lối sống cô độc, hà tiện thái quá.
Nhân vật Trang - bạn thân của Vân - còn được khắc họa tiêu cực hơn, một người thuộc mẫu phụ nữ luôn có định kiến với mẹ chồng. Để được ra ở riêng và không phải sống chung với bà Điều, Trang đã thuê thầy bói phán rằng cô và mẹ chồng không hợp nhau.
Khi bà Điều lên chăm con dâu đang ốm nghén, Trang cũng năm lần, bảy lượt tìm cách đuổi mẹ chồng về quê. Khi bé Đậu Phộng bị bắt cóc, Trang không ngừng chửi bới mẹ chồng, thậm chí còn dọa giết nếu như không tìm thấy con gái. Cuối cùng, bà Điều phải chọn cách về quê.
Đáng nói hơn, phim của đạo diễn Vũ Trường Khoa xây dựng hình ảnh những cô con dâu, bất kể khi nào ngồi với nhau là nói xấu mẹ chồng. Và "bà ta" là từ phổ biến nhất mà Trang và Vân dùng mỗi khi nhắc đến người sinh ra chồng mình.
Sống chung với mẹ chồng bị nhận xét là xây dựng hình ảnh người chồng nhu nhược. Ảnh: VFC.
Những người chồng nhu nhược
Nhiều khán giả truyền hình nhận xét rằng Sống chung với mẹ chồng không có nổi một nhân vật tử tế vì đến những người chồng trong phim cũng nhu nhược, thiếu quyết đoán và tỏ ra bất lực trong việc giải quyết căng thẳng giữa mẹ và vợ.
Thanh yêu vợ và nghe lời mẹ, nhưng anh lại luôn thể hiện mình như đứa trẻ chưa chịu trưởng thành. Nhân vật này gần như không tự quyết được bất cứ việc gì nếu không có sự thúc giục của vợ và sự chỉ đạo của bà Phương.
Không dừng lại ở đó, Thanh còn được xây dựng đúng nghĩa là người đàn ông vũ phu. Thanh ít nhất đã ba lần tát vợ, trong đó hai lần khiến Vân ngã khụy xuống đất, chảy máu mồm. Đến khi hai người đã ly hôn, Thanh lại yếu đuối, khóc lóc, gọi điện xin Vân quay lại. Tính cách của nhân vật khiến không ít người xem ngao ngán.
Không đến mức nhu nhược như Thanh, nhưng sự bất lực của ông Phương và Tùng trong việc giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu cũng là khía cạnh đáng lưu tâm.
Tính cách "dĩ hòa vi quý", "giơ cao đánh khẽ" của Phương không trị nổi sự cay nghiệt của bà Phương, cũng chẳng làm con dâu nể phục. Tương tự, Tùng - chồng Trang cũng là một nhân vật "ba phải", khiến không ít người xem ức chế.
"Sống chung với mẹ chồng giống như một bức tranh buồn dài 32 tập. Phim không có nổi một nhân vật hoàn hảo về tính cách, đạo đức để người xem học hỏi. Với những kịch bản như thế này, dù gây bão, cũng nên hạn chế thực hiện", một khán giả nêu quan điểm.
Tác giả bài viết: Dương Cầm
Nguồn tin: