Thanh Tuấn đứng trên bãi cát trắng biển Nha Trang một ngày đầu năm mới 2017. Anh nhìn cô con gái nhỏ và vợ vui đùa dưới biển, xen lẫn những bức ảnh selfie đủ kiểu. Đằng sau là chiếc Kia Cerato anh cầm lái để đưa gia đình vào Sài Gòn kết thúc những ngày ăn Tết ở quê. Xe mượn nên không tiện ở lại lâu.
Tuấn cũng như nhiều thanh niên khác ở Việt Nam, thu nhập bắt đầu ổn định và khá hơn sau vài năm tốt nghiệp ra trường. Sở hữu ôtô để phục vụ gia đình kèm chút tự hào khi bản thân trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Tỷ lệ sở hữu ôtô của người Việt còn thấp hơn nhiều một số nước trong khu vực ASEAN. |
Chưa lúc nào người dân quan tâm đến giá xe và kỳ vọng về viễn cảnh ôtô hóa tại Việt Nam như hiện thời. Bộ Công Thương mới đây đề xuất miễn thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị tạo ra trong nước nhằm ưu đãi tối đa cho ôtô lắp ráp nội địa. Xa hơn là mức giảm hàng trăm triệu đồng, giúp giấc mơ của nhiều người Việt sở hữu xe hơi ngắn lại.
Gọi là giấc mơ bởi tỷ lệ sở hữu ôtô của người Việt vẫn còn thấp so với các nước láng giềng trong khu vực ASEAN.
Thống kê của Solidiance, công ty tư vấn chiến lược và tiếp thị chuyên về thị trường châu Á, cho biết tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam hiện nay là 16 trên 1.000 người. Con số của các nước láng giềng như Malaysia là 341/1.000 người, Thái Lan 196/1.000 người và Indonesia 55/1.000 người.
Biểu đồ tăng trưởng lũy kế hàng năm tiêu thụ ôtô và tỷ lệ sở hữu xe hơi của người Việt và các nước khu vực ASEAN. Ảnh: Solidiance. |
Theo nghiên cứu của công ty có văn phòng tại 12 nước khu vực châu Á, tăng trưởng lũy kế hàng năm của thị trường xe du lịch (loại 9 chỗ trở xuống) của Việt Nam là 38%, giai đoạn 2012-2016. Trong khi doanh số tiêu thụ ở mảng xe này cũng tăng 36% trong 2015-2016. Malaysia và Thái Lan đều ghi nhận mức giảm lần lượt 13% và 4%, Indonesia tăng trưởng khiêm tốn ở mức 5%.
Dự đoán đến trước 2020, tiêu thụ thị trường xe hơi của Việt Nam có thể đạt mức 225.000 xe. Lý giải cho sự tăng trưởng ổn định của nhu cầu xe hơi trong nước dù vấp phải những rào cản lớn về chính sách thuế, phí, Solidiance đưa ra ba yếu tố chính.
Đầu tiên là sự gia tăng dân số và tầng lớp trung lưu, mặt bằng thu nhập của người dân vì thế cũng tăng lên. Dự đoán đến 2025, có khoảng 45% dân số có thu nhập trên 1.000 USD/tháng.
Mong muốn sở hữu ôtô như phương tiện văn minh, thoải mái và an toàn hơn là nhu cầu có thực của người dân, bất chấp những trở lực về chính sách chưa khuyến khích sự bùng nổ của thị trường. Những tranh cãi về việc hạn chế hay khuyến khích ôtô vẫn còn vướng mắc bởi hạ tầng đô thị.
Thứ hai là xu hướng thay đổi lựa chọn phương tiện giao thông trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang phát triển. Việt Nam có thể xem là thiên đường của xe máy, nơi trung bình một người có thể sở hữu một, thậm chí hai chiếc xe. Nhưng điều đó đang dần thay đổi, từ hai bánh lên bốn bánh.
Trong 2016, thị trường xe máy Việt Nam tăng trưởng 9,5%, đạt mức tiêu thụ 3,12 triệu chiếc. Doanh số chững lại và tăng trưởng chậm kể từ 2014 cho thấy dung lượng dần tiến đến bão hòa. Trong khi đó, thị trường ôtô theo chiều ngược lại, giữ đà tăng trưởng ổn định dù chính sách thuế, phí ảnh hưởng lớn đến giá xe và tâm lý người tiêu dùng, thay đổi khó lường.
|
Theo Financial Times, dự đoán tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam vẫn khởi sắc trong 2017. "Đặc biệt ở mảng xe du lịch, chúng tôi cho rằng Campuchia, Philippines và Việt Nam là ba thị trường năng động nhất khu vực ASEAN với mức tăng trưởng doanh số tiêu thụ lần lượt là 20,4%, 19,2% và 18%", đại diện công ty thông tin tài chính BMI Research cho biết.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2016 là 6,2% cho thấy triển vọng sức mua của người dân còn đó dấu hiệu tích cực. Thị phần xe phổ thông vẫn là cuộc cạnh tranh chính của Trường Hải, tập đoàn hiện phân phối Kia, Mazda, Peugeot và đối thủ Toyota. Mảng xe sang chứng kiến sự nhập cuộc của những thương hiệu nước ngoài mới đây như Maserati, Volvo bên cạnh Mercedes, Audi, Lexus...
Yếu tố thứ ba giúp thị trường xe du lịch tăng trưởng còn phải kể đến hàng rào thuế nhập khẩu về 0% khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN có hiệu lực từ 2018. Đây là chất xúc tác để người dân mơ về giá xe giảm sâu.
Nhưng viễn cảnh này khó khả thi khi thuế nhập khẩu chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Những yếu tố khác như thuế TTĐB, phí trước bạ, chi phí bán hàng của đại lý... tác động không nhỏ đến giá xe. Truyền thống hạn chế ôtô vẫn là rào cản lớn nhất khiến giá xe của Việt Nam cao hơn mặt bằng chung của khu vực.
Thậm chí đề xuất cách tính thuế mới của Bộ Công Thương nếu thành hiện thực vào 2018 cũng khó đòi hỏi một cuộc giảm giá ồ ạt của thị trường trong một, hai năm đầu. Các hãng linh kiện đầu tư sản xuất tại Việt Nam, các hãng xe đầu tư máy móc, nâng cấp nhà xưởng... đều mất khoảng thời gian nhất định. Quan trọng hơn, chính sách cần sự ổn định để mọi thứ đi vào khuôn khổ.
Tính đến 2013, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ ở mức 30%, con số của "Detroit châu Á" Thái Lan là 85%, Malaysia 80% và Indonesia 75%. Miễn thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước thúc đẩy quá trình nội địa hóa sâu rộng hơn, tạo tiền đề để giá xe giảm trong những năm tới. Tất nhiên điều này không phải một sớm một chiều. Đồng nghĩa người dân phải chờ thêm thời gian để tiếp cận giá xe giảm.
Nội địa hóa linh kiện càng cao sẽ giúp giá xe có triển vọng giảm trong tương lai. |
"Giá xe có thể giảm hay không vào 2018 vẫn chưa thể nói trước được. Tâm lý chờ đợi để theo dõi diễn biến giá xe trong năm tới là có thật. Nhưng nhu cầu mua xe ở thời điểm cần mới là yếu tố quyết định, chứ không phải vấn đề giá", đại diện một hãng xe tại Việt Nam nói.
Nút thắt cho sự phát triển thị trường ôtô trong nước còn liên quan đến chính sách. Phát triển thị trường ôtô, lấy tiền thuế đầu tư hạ tầng, hay đầu tư hạ tầng rồi mới phát triển ôtô vẫn còn là vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát rõ ràng.
Tháng 6/2017, Bộ Công Thương đề xuất biểu thuế mới áp dụng cho xe bán tải nhập khẩu tương tự xe con, khiến giá có thể tăng 400-900 triệu đồng so với hiện nay. Dù chưa thành hiện thực nhưng đây vẫn là thông tin không lấy làm vui đối với những người yêu thích xe bán tải tại Việt Nam.
Sau bữa tiệc nhỏ cùng bạn bè mừng thôi nôi thành viên mới của gia đình, trong hơi men nồng Tuấn quay sang thủ thỉ với bạn: "Giờ phải cày cật lực hơn, ráng có chiếc 4 bánh để mấy mẹ con đi lại cho khỏe. Morning nho nhỏ thôi cũng được".
Giấc mơ ôtô của Tuấn không còn là chiếc Cerato 2.0 số tự động đậu gần bãi biển Nha Trang giá hơn 680 triệu đồng. Anh vẽ cho mình một giấc mơ gần gũi hơn, có cơ sở để trở thành sự thực.
Tác giả: Phạm Trung
Nguồn tin: Báo VnExpress