Sau trận thua CAHN ở vòng 18, HLV Trần Trọng Bình cho rằng, chuyến làm khách trên sân SLNA ở vòng 19 là “sống còn” đối với Khánh Hòa. Nhìn vào cục diện trên BXH, đội bóng phố biển đang đứng chót (thứ 14) với chỉ 10 điểm, kém đội đứng ở vị trí an toàn là Thể Công Viettel (12) đến 11 điểm và ít hơn đội đứng ở vị trí play-off là SLNA (13) 6 điểm. Về lý thuyết, Khánh Hòa vẫn có cửa trụ hạng mà không phải đá play-off. Nhưng với cách biệt ấy cùng với mùa giải còn 7 vòng nữa thì cơ hội để Khánh Hòa vươn lên là rất khó.
HLV Trần Trọng Bình cho rằng trận với SLNA có ý nghĩa quyết định đến số phận của họ là có lẽ, ông đang nhắm đến suất play-off. Nếu đánh bại SLNA, đội bóng phố biển sẽ rút ngắn cách biệt với chính đối thủ này xuống còn 3 điểm nên cơ hội để vươn lên cầm suất đá play-off là thiết thực hơn so với vị trí trụ hạng chính thức. Nhưng nếu không thắng, Khánh Hóa có lẽ phải tính đến phương án chuẩn bị cho giải hạng nhất mùa tới.
Đích nhắm thực tế nhất của Khánh Hòa là suất play-off. Nhưng với SLNA, nếu phải tham dự trận đấu có một nửa nguy cơ xuống hạng ấy (play-off) là khó có thể chấp nhận được. Khi cơ hội trụ hạng an toàn còn nằm trong tầm với thì chắc chắn, đội bóng xứ Nghệ vẫn phải cố gắng. Hiện tại, SLNA kém đội đứng ngay trên là Thể Công Viettel 5 điểm.
SLNA vs Khánh Hòa - trận chung kết ngược của mùa giải |
Ở vòng này, Thể Công Viettel phải đối đầu với Nam Định nên nguy cơ thua trận là hoàn toàn xảy ra. Thế nên nếu đánh bại Khánh Hòa, SLNA có thể rút ngắn cách biệt xuống còn 2 điểm. Khi ấy, giấc mơ trụ hạng thành công sẽ sống lại mạnh mẽ. Nhưng nếu không thắng được Khánh Hòa, nguy cơ đội bóng xứ Nghệ phải đá play-off là rất lớn. Rõ ràng, đối đầu nhau trong bối cảnh phải “giẫm lên nhau để thoát thân” là bi kịch đối với SLNA và Khánh Hòa. Nhưng để có hy vọng tồn tại ở V.League, cả 2 không còn cách nào phải quyết chiến lẫn nhau.
Nghịch cảnh hiện tại của cả SLNA lẫn Khánh Hòa là hệ quả của một quá trình dài. Rất nhiều vấn đề khiến 2 đội bóng này rơi vào tình cảnh thảm thương ở cuối bảng xếp hạng. Nhưng gốc rễ của vấn đề là tài chính. SLNA không chi tiền để giữ các trụ cột có chuyên môn cao nên họ lũ lượt ra đi. Dường như lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ quá tin tưởng vào lực lượng trẻ nhưng không phải cầu thủ nào do SLNA đào tạo cũng có thể chơi tốt. Chuyện lương, thưởng cũng là yếu tố khác ảnh hưởng đến thái độ và tinh thần thi đấu của các cầu thủ. Chất lượng ngoại binh là vấn đề nhức nhối khác khi, ngoại trì Olaha, họ không đủ sức để làm “đầu tàu” như ở các đội khác.
Vấn đề của SLNA cũng là khúc mắc của Khánh Hòa khi chất lượng đội quân cả nội binh và đặc biệt là cầu thủ nước ngoài đã không cao, các cầu thủ lại luôn nơm nớp lo lắng chuyện lót tay, lương trả không đúng hạn, thậm chí, họ phải làm chuyện đặng đừng là dọa đình công khi tiền không về tài khoản đúng với thời gian cam kết để tạo sức ép buộc phải chi trả.
Thế nên, trận “chung kết ngược” giữa SLNA và Khánh Hòa không chỉ là trận cầu liên quan đến số phận của một đội bóng. Trận đấu còn là dịp để xem tinh thần của các cầu thủ 2 bên chuyến tuyến thể hiện khi một mớ bòng bong đang lởn vởn trong tâm trí của họ.
Tác giả: HỒNG QUẢNG
Nguồn tin: bongdaplus.vn