Vừa qua, ngày 6/8 UBND TP Hà Nội ban hành công điện số 18/CĐ-UBND về việc tiếp tục giãn cách toàn xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19.
Hà Nội tiếp tục triển khai các chốt phòng dịch kiểm soát người ra vào thành phố. Các cơ sở kinh doanh, nhà hàng,... tiếp tục tạm thời đóng cửa, vì thế mà người lao động mất việc, sinh viên bị mắc kẹt buộc phải ở lại thành phố cho đến khi có chỉ thị mới.
Cơm không có… thịt
Dù đã hoàn thành chương trình học nhưng Nguyễn Xuân Cân (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn nán lại Hà Nội để kiếm chút tiền trang trải cho năm học mới. Dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, không may mắn khu trọ của Cân lại ở trong diện cách ly.
"Hà Nội có chỉ thị giãn cách xã hội, việc ra ngoài mua thức ăn vô cùng khó khăn. Chợ cóc không đảm bảo nên phải đóng cửa, mình phải ra Vinmart+ cách nhà khá xa mới có thể mua được thực phẩm. Nhưng thực phẩm lại khá đắt so với túi tiền của mình, vì vậy 1 tuần nay bữa cơm của mình chỉ có trứng và rau", nam sinh bộc bạch.
Bữa cơm đạm bạc của anh chàng chỉ với một món trứng. |
Mọi chi phí lúc này của Cân hoàn toàn trông cậy vào công việc làm thêm vất vả của bố mẹ. Bố mẹ Cân là người Hải Phòng, quanh năm gắn bó với làng chài, thu nhập chủ yếu đến từ việc buôn bán hải sản. Dịch bệnh khiến bố mẹ Cân không thể ra chợ, tôm cá bắt được cũng chỉ để ăn qua ngày hoặc chế biến sản phẩm khô. Cả gia đình lâm vào cảnh khó khăn vì thế anh chàng cũng không dám đòi hỏi nhiều.
"Mỗi tháng, tổng chi phí thuê trọ hết gần 4 triệu đồng, để trang trải mình phải đi làm thêm hai công việc, ngày nào cũng ròng rã 15-16 tiếng đi làm. Nhiều lúc thấy mệt mỏi thật nhưng vì để bố mẹ đỡ vất vả nên phải tiếp tục cố gắng", Cân nghẹn ngào chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ với Xuân Cân, Trương Thành Nam (sinh viên năm 3, chuyên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) lại lâm vào tình huống "dở khóc, dở cười". Tất cả sinh viên ở ký túc xá đều được hỗ trợ từ phía nhà trường, nhưng Thành Nam lại ở trọ nên không nhận được hỗ trợ.
Thành Nam cho hay: "Nhà mình ở Khoái Châu ( Hưng Yên), vì dịch bệnh nên quê cũng phong tỏa không thể lưu thông được hàng hóa, bố mẹ ở quê cũng chỉ làm nông không biết gì đến công nghệ. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, nên cũng không dám gọi điện về xin tiền, suốt gần 1 tháng nay mình đều ăn mì tôm, đến nỗi nhìn thấy mì tôm mà không muốn ăn, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác".
Không dám mua…. cả một mớ rau
Cao Thị Trang (sinh viên năm 2, Trường Đại học Hà Nội) chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất là về tài chính. Bình thường mua rau chỉ mất 5.000 đồng/bó lớn nhưng với thời điểm hiện tại đã tăng lên 15.000 đồng/một "nắm nhỏ". Nhiều khi còn không có mà mua, nhìn vào tủ lạnh thấy trống không cũng khá buồn."
Do dịch bệnh, Trang không nhận được sự tiếp tế của bố mẹ. |
Trang tâm sự, nhiều lúc rất muốn gọi điện về hỏi thăm bố mẹ nhưng lại sợ bố mẹ lo lắng nên không dám kể lể nhiều. Trước dịch, hằng tuần bố mẹ vẫn gửi gạo và rau củ từ quê lên Hà Nội cho nhưng kể từ khi xe khách nghỉ, nhờ vả mãi mới cố gắng gửi được chút thực phẩm khô, dù ít nhưng giúp Trang cải thiện bữa cơm rất nhiều.
Trần Nam Anh (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Đã không có đủ thức ăn thì đến đồ dùng trong nhà cũng hết, tình cảnh đúng thật khó diễn tả. Không hiểu lý do gì qua một đêm giá trứng đã tăng từ 3.000 đồng lên 6.000 đồng/ quả, mua 10 quả trứng đã gần bằng 1 thùng mì tôm. Mình còn không dám mua rau tươi, chỉ dám mua rau cũng đã héo nhưng vẫn còn ăn được, giá thì rẻ hơn 1/2, thời điểm bây giờ tiết kiệm mới là thượng sách".
Những quả mướp dù đã dấu hiệu hỏng nhưng vẫn được Nam Anh mua về do giá rau quá đắt. |
Rất cần sự giúp đỡ
Khó khăn chồng chất khó khăn, ở thời điểm hiện tại các sinh viên đang bị mắc kẹt tại Hà Nội rất cần sự giúp đỡ từ phía cộng đồng. Có thể là không nhiều nhưng dù chỉ là một túi gạo, vài gói mì hay bó rau cũng phần nào giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Nguyễn Hưng (sinh viên năm cuối, Học viện Ngân hàng) chia sẻ: "Do chưa đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi sinh sống, nên khi dịch bùng phát quận Thanh Xuân phát phiếu đi chợ cho các hộ dân, còn mình thì không được phát. Bây giờ không có phiếu sẽ không được ra ngoài, việc mua đồ ăn cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhờ 1-2 lần hàng xóm mà người ta cũng tỏ vẻ khó chịu nên gần 1 tuần nay lương thực trong nhà đã không còn".
Khác với Hưng, Nguyễn Thùy Dương - sinh viên Đại học Tài chính hào hứng chia sẻ khi được nhận hỗ trợ từ thành đoàn Hà Nội: "Mình rất vui vì nhận được sự giúp đỡ từ phía các nhà hảo tâm vào thời điểm căng thẳng như hiện nay. Cá nhân mình đã rất lo lắng và cảm thấy mệt mỏi vì phải ăn uống thiếu dinh dưỡng trong nhiều ngày. Thế nhưng hiện tại, nỗi lo của mình đã vơi đi phần nào nhờ có sự giúp đỡ của mọi người. Mình rất biết ơn về điều đó."
Lòng tốt tiếp tục được lan tỏa tới cộng đồng khi càng có nhiều chương trình thiện nguyện do cá nhân tổ chức, các cơ quan đoàn thể nhằm: hỗ trợ lương thực, thực phẩm, ủng hộ kinh phí, đồ dùng thiết yếu,... đồng cảm và chia sẻ với khó khăn của người dân.
Sự hỗ trợ trong lúc này, dù không nhiều nhưng đó là lời an ủi và động viên quý giá dành cho sinh viên các trường đại học để tất cả giữ vững tinh thần, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Tác giả: Văn Hiền - Đinh Phấn
Nguồn tin: Báo Dân trí