Kinh tế

"Siêu doanh nghiệp" bất động sản đăng ký vốn 144.000 tỉ đồng giờ ra sao?

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, công ty có vốn điều lệ "cực khủng" 144.000 tỉ đồng hiện không còn tồn tại do các cổ đông chưa góp đủ vốn trong thời gian 90 ngày.

Liên quan thông tin đang gây xôn xao dư luận về Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (Công ty USC Interco) có vốn điều lệ lên tới 144.000 tỉ đồng (6 tỉ USD), ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê, cho biết Công ty USC Interco đăng ký thành lập ngày 17.1 với số vốn 144.000 tỉ đồng - hiện không còn tồn tại.

Lý giải về điều này, Tổng cục trưởng Thống kê cho hay luật quy định khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), doanh nghiệp phải thực hiện góp vốn đúng theo cam kết. 90 ngày từ 17.1, USC Interco chưa góp đủ vốn.

Ông Lâm cho biết, thời điểm thành lập công ty này, Tổng cục Thống kê đã nhận thấy dấu hiệu bất thường, vì 144.000 tỉ đồng là số vốn quá lớn, bằng tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam cộng lại.

Nhà của bà Phuơng - đồng thời cũng là trụ sở siêu công ty. Ảnh: Cường Ngô

“Trong báo cáo, chúng tôi đã để một ghi chú: Nếu không kể doanh nghiệp này thì vốn đăng ký sẽ là bao nhiêu và vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp là bao nhiêu?”, ông Lâm nói.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã phân cấp cho các Sở Kế hoạch và Đầu tư, phòng đăng ký kinh doanh địa phương. Khi thông tin về doanh nghiệp trên chuyển lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đăng ký kinh doanh đã rà soát, trao đổi lại với Sở Kế hoạch và Đầu tư, và phát hiện ra điểm bất cập, kịp thời chấn chỉnh.

"Trường hợp về doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỉ đồng là điểm cần rút kinh nghiệm trong quá trình đăng ký doanh nghiệp, để loại trừ những doanh nghiệp tạm gọi là “doanh nghiệp ma", ông Lâm nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, theo Điều 201 Luật doanh nghiệp 2015, có hai hình thức giải thể doanh nghiệp, đó là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.

Giải thể tự nguyện là quyền của nhà đầu tư đối với việc rút lui khỏi thị trường kinh doanh - một trong các nhóm quyền của quyền tự do kinh doanh.

Gồm các trường hợp quy định tại điểm a,b, khoản 1 điều 201 Luật doanh nghiệp 2015. Đó là việc kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

Còn giải thể bắt buộc do yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về doanh nghiệp do doanh nghiệp không đáp dứng được các điều kiện luật định. Bao gồm các trường hợp sau: Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Công ty USC Interco đăng ký trụ sở chính tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Doanh nghiệp này đăng ký 59 ngành nghề kinh doanh, nhưng chủ yếu là lĩnh vực bất động sản, với vốn đăng ký là 144.000 tỉ đồng. Ba cổ đông sáng lập sống tại Hà Nội và Bắc Ninh.

Tác gỉa: Cường Ngô

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP