Kinh tế

Sếp công ty chứng khoán nói lý do chưa từng "cho vay" với cổ phiếu FLC

Ông Tô Hải cho rằng những biện pháp chấn chỉnh thị trường chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư có cảm giác được bảo vệ, an tâm hơn khi đầu tư.

Ngay khi mở đầu phần thảo luận tại phiên họp đại hội thường niên chiều 30/3 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (mã chứng khoán: VCI), sự kiện Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt liên quan đến hành vi "thao túng thị trường chứng khoán" được nhắc đến. Nhà đầu tư đặt vấn đề liệu sự kiện này tác động ra sao đến thị trường chứng khoán và các công ty chứng khoán.

Trả lời cổ đông, ông Tô Hải - Tổng Giám đốc Chứng khoán Bản Việt - cho biết ông cũng không có nhiều thông tin hơn các nhà đầu tư về sự kiện trên. Còn câu chuyện của cổ phiếu FLC trên thị trường thì các nhà đầu tư lâu nay đều đã biết. "Việc gì không đúng với thị trường sẽ bị điều chỉnh. Sau vụ việc này, thị trường có thể điều chỉnh trong một vài phiên nhưng nhà đầu tư sẽ quên ngay sau vài tuần. Thị trường chỉ có tốt hơn", ông Hải dự đoán.

CEO này nhắc lại những năm trước, có những cổ phiếu lọt vào rổ VN30 nhưng sau đó giảm sâu, khiến các quỹ mua bán theo chỉ số bị ảnh hưởng lớn. Hậu quả là nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào thị trường chứng khoán Việt Nam một cách tương đối lệch lạc.

Theo ông, những biện pháp chấn chỉnh của cơ quan chức năng sẽ giúp thị trường quay về chân giá trị, tiếp cận nhiều nhà đầu tư hơn. "Các nhà đầu tư sẽ thấy nếu có sai trái thì cơ quan chức năng vào cuộc, họ mạnh dạn tham gia thị trường hơn vì cảm giác được bảo vệ. Những việc này nếu cơ quan chức năng duy trì thường xuyên hơn thì thậm chí còn tốt hơn nữa cho thị trường", ông cho hay.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng và CEO Tô Hải trả lời cổ đông (Ảnh: VCI).

Sau vụ việc này, CEO Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng dự báo cơ quan quản lý thị trường sẽ thận trọng hơn trong việc xem xét cho niêm yết với những cổ phiếu có vấn đề. Hiện tượng thường được nhà đầu tư gọi là "đội lái" cũng sẽ giảm đi. "Dĩ nhiên có những chuyện như thế thì mọi thứ sẽ chậm hơn, nhưng sẽ đúng hơn", ông nói thêm.

CEO Tô Hải cũng chia sẻ với Dân trí công ty của mình chưa từng cấp margin (cho vay ký quỹ) với cổ phiếu FLC cũng như các mã chứng khoán liên quan tập đoàn này. Ông nhấn mạnh mình có quan điểm rõ ràng với các cổ phiếu có dấu hiệu bị "làm giá" trên thị trường.

Theo ông Hải, công ty chứng khoán nếu cho vay ký quỹ cổ phiếu nhưng mã chứng khoán đó sụp đổ, mất thanh khoản thì không thể bán giải chấp để lấy lại tiền. Trong thực tế, thị trường Việt Nam từng ghi nhận những vụ việc như vậy. Còn ngân hàng nếu phát sinh nợ xấu vẫn có thể thanh lý bất động sản khách hàng thế chấp để thu hồi nợ.

Năm nay, Chứng khoán Bản Việt chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 3% lên 1.900 tỷ đồng dựa trên giả định VN-Index dao động quanh 1.550 điểm vào cuối năm 2022 sau khi tăng trưởng gần 100% trong năm 2021.

Biểu đồ: Việt Đức.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết kịch bản trên mang tính thận trọng. Nếu thị trường đi ngang trong vùng 1.500-1.550 điểm, công ty vẫn đạt kế hoạch. Còn nếu VN-Index đạt mức cao hơn, công ty sẽ cố gắng tận dụng cơ hội để có lợi nhuận cao hơn.

Ông cũng chia sẻ trong quý I, công ty ước tính đạt lợi nhuận khoảng 500 - 550 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, mức lãi trước thuế dự kiến khoảng 1.000 - 1.100 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán này cũng sẽ thành lập một đơn vị thành viên tại Singapore. Theo ông Hải, hiện Việt Nam đã có 3 kỳ lân gồm VNG, VNPay và Momo với định giá đều trên 2 tỷ USD và thời gian tới sẽ còn những công ty công nghệ được định giá cao. Do đó, nhu cầu niêm yết cổ phiếu tại thị trường nước ngoài với các công ty công nghệ là tất yếu và việc thành lập công ty con tại Singapore nhằm mục đích đón đầu xu hướng này.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP