Trong nước

Sau thi tuyển chức danh lãnh đạo, cần thêm gì?

TP.HCM vừa mới sửa đổi, bổ sung đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để cán bộ, công chức, viên chức ngoài phạm vi TP quản lý có thể được tham gia thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.

Mở rộng đối tượng như vậy là điều cần thiết, mở rộng phạm vi, tăng "tỉ lệ chọi" để tìm kiếm công chức, viên chức xứng đáng, tốt nhất cho vị trí tuyển dụng.

Xây dựng một bộ tiêu chuẩn ứng viên cụ thể, sát với yêu cầu vị trí công việc; thiết lập một quy trình thi tuyển chặt chẽ, công khai, minh bạch, tránh các tiêu cực... là điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công ban đầu của việc thí điểm thi tuyển.

Dù vậy, tất cả chỉ thị, nghị quyết của trung ương và đề án thí điểm của địa phương về thi tuyển, tuyển dụng công chức, viên chức đều nhắm tới mục tiêu tối thượng là xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, từ đó hình thành một nền hành chính công vụ hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Do đó, việc thi tuyển công chức, viên chức vào vị trí lãnh đạo, quản lý cũng chỉ mới là bước đầu của việc tuyển chọn.

Để một công chức, viên chức bước vào nền hành chính công vụ với tâm thế phụng sự, phấn đấu hết mình và để đánh giá được đúng năng lực công việc của họ, sau thi tuyển phải có bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) chi tiết, cụ thể, gắn với chức danh đó.

Một người có năng lực hay không phải được đánh giá dựa trên khả năng hoàn thành trách nhiệm, công việc cụ thể được giao hay không. Giỏi mà không phát huy, có năng lực mà né tránh, đùn đẩy, quan liêu, xử lý hồ sơ kém thì giỏi để làm gì!

Chỉ số KPI này cũng nên được xây dựng theo hướng định lượng, đo lường cụ thể yêu cầu công việc để áp dụng đánh giá hiệu quả công việc toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống, thay vì đánh giá chung như hiện nay với các mức: hoàn thành, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc, không hoàn thành.

Về lâu dài, ngoài thí điểm thi tuyển, TP.HCM - địa phương có khối lượng giao dịch hành chính rất nhiều - cũng cần mạnh dạn đề xuất thí điểm thêm một số cơ chế để nâng cao hiệu quả công vụ. Trong đó, có thể thay đổi tư duy mô hình tổ chức đội ngũ cán bộ, công chức theo khối lượng, kết quả công việc.

Bằng cách thí điểm này, các văn phòng tiếp nhận hồ sơ ở quận huyện có thể được sắp xếp theo từng khu vực (tùy vào quy mô dân số) và người dân có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính ở bất cứ văn phòng nào.

Người dân quận này có thể qua quận khác làm thủ tục, nếu văn phòng quận khác giải quyết hồ sơ nhanh hơn. Hằng năm, kết quả khối lượng công việc giải quyết của các văn phòng sẽ được sử dụng làm căn cứ để phân bổ ngân sách nhiều hay ít.

Bài học từ việc cho thành lập các văn phòng công chứng tư nhân (bên cạnh phòng công chức nhà nước) đã cho thấy người dân từ việc phải xếp hàng chờ đợi khi đi công chứng, nay vì có cạnh trạnh nên đã được phục vụ đúng nghĩa một "khách hàng".

Một nền hành chính lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả nhưng cách tổ chức, tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức không hướng tới mục tiêu này và số lượng hồ sơ giải quyết được cũng sẽ trở nên vô nghĩa với người dân.

Tác giả: Tiến Long

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP