Không khí làm việc tại bộ phận một cửa phường Phạm Đình Hổ (Hà Nội). |
Việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, biên chế và chi ngân sách, mà còn mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, song cũng phức tạp bởi mức độ tác động, ảnh hưởng lớn. Vì vậy, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Bài bản và khoa học
Theo báo cáo phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của UBND TP Hà Nội, số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp là 173. Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện là 76 đơn vị.
Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp là 12 đơn vị. Số lượng ĐVHC cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp là 47. Trong đó, quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp, nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện việc này.
Thời gian qua, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã, phường ở 3 quận, huyện (Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Phú Xuyên) của TP Hà Nội được thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Với diện tích đất tự nhiên 0,18 km2 và 5.526 người dân của phường Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng) sau khi điều chỉnh địa giới ĐVHC được nhập vào phường Phạm Đình Hổ.
Sau sắp xếp ĐVHC, phường Phạm Đình Hổ có 0,48 km2 diện tích đất tự nhiên và quy mô dân số 12.611 người, qua đó tạo động lực cho địa phương phát triển, bộ máy hành chính được tinh gọn, phục vụ người dân tốt hơn.
Ông Trần Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ cho biết, sau 4 năm sáp nhập, bộ máy mới đã đi vào hoạt động ổn định, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc sau khi sáp nhập có tăng lên về số lượng, nhưng mỗi cơ sở còn hạn chế về diện tích, quy mô.
Cụ thể, trụ sở UBND phường Phạm Đình Hổ được đặt tại số 44 Trần Xuân Soạn, thuận tiện cho người dân đến liên hệ làm việc nhưng diện tích còn nhỏ hẹp, quá tải. Ngoài ra, trụ sở UBND phường Phạm Đình Hổ lại là biệt thự cấp 2 nên việc xây mới, cải tạo, sửa chữa rất khó khăn.
Từ thực tế đó cho thấy, địa phương cần có điều chỉnh phù hợp về cơ sở hạ tầng làm việc của những ĐVHC mới sau khi sáp nhập để chủ trương này thực sự phát huy hiệu quả, nhất là đối với đô thị đặc biệt cần có những tiêu chí, điều kiện riêng.
Đáng chú ý, trong những ĐVHC cấp xã, phường thuộc diện sắp xếp, có những phường tại khu vực nội đô phải chia diện tích và số dân để sáp nhập vào phường khác, khiến không ít cán bộ và người dân bày tỏ tâm tư, băn khoăn.
Tuy nhiên, sau khi được lãnh đạo TP Hà Nội, quận Hai Bà Trưng, nhất là phường tuyên truyền về tinh gọn bộ máy, mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội, cán bộ và người dân đã thấu hiểu, chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều chỉnh sáp nhập.
Tiêu biểu tại phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng), theo phương án sắp xếp sẽ nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Cầu Dền vào phường Bách Khoa thành ĐVHC phường mới. Sau sắp xếp, phường mới có diện tích tự nhiên 0,66 km2 và quy mô dân số là 20.773 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC mới dự kiến đặt tại trụ sở phường Bách Khoa.
Bên cạnh đó, một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Cầu Dền được nhập vào phường Thanh Nhàn thành ĐVHC phường mới. Kết quả sau sắp xếp, phường mới có diện tích tự nhiên 0,76 km2 và quy mô dân số 22.899 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC mới dự kiến đặt tại trụ sở cũ phường Thanh Nhàn hiện nay.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Cầu Dền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, UBND phường đã tuyên truyền để nhân dân hiểu và chuẩn bị sẵn sàng thực hiện việc sáp nhập theo phương án của thành phố.
Cư dân phường Cầu Dền (Hà Nội) xem thông báo niêm yết danh sách cử tri, lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường. |
Thuận lợi cho học sinh học tập
Ở góc độ giáo dục, khi một phần của phường Cầu Dền (Hai Bà Trưng) được chuyển sang phường Thanh Nhàn sẽ dẫn đến thay đổi địa bàn tuyển sinh của các trường học. Đơn cử tại Trường THCS Minh Khai nằm trên địa bàn phường Thanh Nhàn sẽ tiếp nhận lượng học sinh này.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, đại diện Trường THCS Minh Khai bày tỏ, sẵn sàng tiếp nhận học sinh sau khi sắp xếp địa giới hành chính của phường.
Đại diện Ban giám hiệu nhà trường cũng cho biết, THCS Minh Khai đạt chuẩn quốc gia, có nhiều bước tiến vượt bậc trong chất lượng dạy và học những năm gần đây.
Với hệ thống cơ sở vật chất được trang bị hiện đại bậc nhất quận Hai Bà Trưng, cùng sự nỗ lực nâng cao chất lượng của nhà trường, những hoạt động của nhà trường được Phòng GD&ĐT đánh giá cao. Năm học 2023 - 2024, khi chưa sát nhập ĐVHC, nhà trường cũng đã vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
“Năm học 2024 - 2025, dự kiến nếu tiếp nhận thêm lượng học sinh từ phường Cầu Dền cũ, nhà trường cũng đã sẵn sàng các phương án về cơ sở vật chất. Đảm bảo đáp ứng đủ phòng học cũng như không ảnh hưởng đến lượng phòng học bộ môn...”, vị đại diện Ban giám hiệu Trường THCS Minh Khai nhấn mạnh.
Tính đến 31/12/2023, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố có ĐVHC cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành Trung ương liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án sắp xếp của các địa phương.
Trường THCS Minh Khai (Hai Bà Trưng) sẵn sàng đón nhận thêm học sinh sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. |
Hiện, các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo báo cáo về số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025, tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Tổng số ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.
Đối với cấp xã, tổ̉ng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Tổng số ĐVHC cấp xã thuộ̣c diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, ngày 28/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp ĐVHC chỉ còn khoảng 6 tháng. Trong khi đó, do việc sắp xếp ĐVHC là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Tác giả: Đăng Chung
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn