Từng là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, thầy Nguyễn Quốc Hùng cho biết SGK nước ngoài vào Việt Nam cần đảm bảo tính Việt Nam của nó. Không có một cuốn sách nước ngoài nào có thể đem nguyên xi vào dạy tại Việt Nam mà không có chỉnh sửa cho phù hợp với Việt Nam. Đối với SGK Tiếng Anh 1, việc thích hợp ở đây căn cứ vào chương trình Bộ GDĐT đưa ra, đảm bảo 44 tiêu chí về biên soạn SGK và các chủ đề mang tính Việt Nam. Chẳng hạn hình ảnh các cô gái mặc áo hai dây ra đường chúng ta có thể gặp trong xã hội nhưng đó không phải là chuẩn học đường để dạy cho học sinh Việt Nam nên nếu có những hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong sách thì phải bỏ.
Về một số ý kiến cho rằng trong 6 cuốn sách được Hội đồng quốc gia thẩm định, Bộ GDĐT phê duyệt, có những cuốn khá quen thuộc với người bắt đầu học tiếng Anh, đang được dạy tại các trung tâm tiếng Anh của Việt Nam, ông Hùng thẳng thắn chia sẻ: “Sách các trung tâm đang dạy, đó là sách cũ. Những cuốn sách thẩm định qua Bộ chưa được bán trên thị trường. Còn sách được bán trên thị trường hiện nay cũng là sách tên như vậy nhưng là seri cũ”.
Vậy những cuốn sách được phê duyệt có gì đổi mới so với sách đang được dạy tại các trung tâm? Về chi tiết, có thể thấy một số bộ sách hiện vẫn có bài tập viết cho học sinh lớp 1 nhưng khi đưa đi thẩm định, phần này phải bỏ. Nếu không kịp bỏ trong sách học sinh thì bỏ trong sách giáo viên, cần hướng dẫn cụ thể là để tham khảo thôi, không dạy cho học sinh. Các cuốn sách khác của các nhà xuất bản khác cũng được soạn lại để phù hợp với Việt Nam.
Không chỉ SGK Tiếng Anh lớp 1 mà hiện nay còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc học ngoại ngữ cho trẻ em nói riêng và mọi đối tượng nói chung. Trong đó, có ý kiến cho rằng học sinh lớp 1 chưa nói thông viết thạo tiếng Việt, nếu đưa cả các sách Tiếng Anh vào thì liệu học sinh có gặp khó khăn không?
Theo các chuyên gia, trẻ con lớp 1 chưa biết đọc biết viết bằng tiếng mẹ đẻ mà giao bài tập viết bằng tiếng Anh sẽ làm nhiễu loạn tiếng Việt. Nên nếu sách có nội dung này phải bỏ. Thứ hai, cần phải xem xét ở khía cạnh cái gì học sinh có thể tiếp thu được. Còn nếu nói những từ khó thì học sinh sẽ rất khó tiếp thu.
Về độ tuổi để học tiếng Anh cũng như ngoại ngữ nói chung, nhiều công trình nghiên cứu của thế giới đã chỉ ra rằng không có độ tuổi vàng trong việc học ngoại ngữ.