Cuối tháng 10 vừa qua, vụ việc liên quan tới nữ streamer xinh đẹp La Tiểu Miêu Miêu uống thuốc trừ sâu tự tử khi đang phát sóng giao lưu trực tiếp với người hâm mộ đã gây sốc trong cộng đồng mạng nước này.
Sau đó, thi thể của cô được hỏa táng tại quê nhà là một vùng nông thôn thuộc tỉnh Sơn Đông.
Vụ việc tưởng như chìm xuống nhưng rồi lại "dậy sóng" sau thông tin về phần tro cốt của cô bị một băng nhóm đánh cắp rồi rao bán với mức giá cao nhằm phục vụ cho "đám cưới ma".
Chân dung nữ streamer xinh đẹp người Trung Quốc trước khi qua đời (Ảnh: The Sun). |
Theo nguồn tin từ tờ Beijing News, một nhân viên làm việc tại lò hỏa táng và hai vợ chồng ở cửa hàng khâm liệm hiện bị giam giữ để phục vụ việc điều tra. Nguồn tin ban đầu cho biết, nếu vụ giao dịch thành công, phần tro cốt người đã khuất sẽ bán với giá 8.200 bảng Anh (gần 250 triệu đồng).
Được biết, đám cưới ma còn gọi là "minh hôn" (đám cưới linh hồn), vốn là hủ tục rùng rợn còn tồn tại ở một số vùng quê nghèo, hẻo lánh tại Trung Quốc. Với mục đích mang lại sự bình yên cho người đã khuất ở thế giới bên kia đồng thời giúp xua đuổi tà ma, hủ tục mê tín dị đoan này đã tồn tại hàng nghìn năm nay tại quốc gia này.
Theo tài liệu để lại, "đám cưới ma" được cho là có từ thế kỷ 17 trước Công nguyên. Tuy nhiên, vào thời kỳ nhà Tống là quãng thời gian hưng thịnh nhất của hủ tục này.
Người xưa tin rằng, những ngôi mộ cô độc sẽ ảnh hưởng tới sự hưng thịnh của hậu duệ sau này. Cụ thể, nếu một chàng trai không may qua đời mà chưa kết hôn sẽ bị coi là "điềm xấu". Nếu muốn gia đình "yên ổn" phải "cưới" cho người đã khuất một cô gái, hay còn gọi là đám cưới ma.
Một số vùng quê hẻo lánh ở Trung Quốc vẫn tồn tại hủ tục này (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, thủ tục và chi phí cho một đám cưới như vậy thường rất cao, nên hủ tục này thường chỉ diễn ra ở những gia đình giàu có thời xưa.
Kể từ năm 1949, chính phủ Trung Quốc đã chính thức ban hành lệnh cấm hủ tục này. Mặc dù vậy, ở một số vùng quê hẻo lánh tại quốc gia này, truyền thống trên đang có dấu hiệu hưng thịnh trở lại.
Một số gia đình vẫn bất chấp lệnh cấm để mua hoặc đánh cắp hài cốt của những người chưa lập gia đình, tổ chức "minh hôn" cho cô dâu hay chú rể không may xấu số. Điều này dẫn tới việc nhiều tên trộm sẵn lòng đào mộ để bán hài cốt cho gia đình có nhu cầu.
Kể từ tháng 8/2006, Trung Quốc áp dụng lệnh cấm buôn bán thi thể. Những người vi phạm có thể bị phạt tối đa 3 năm tù giam.
Tác giả: Huy Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí