Cuộc sống

Rể ngoan

Con trai Hà Nội nói chung đều khoan hòa nhân hậu, ngay cả lưu manh như thằng Xuân tóc đỏ thì cư xử với nhà vợ vẫn xã giao khéo léo, vì thế cứ ra ngõ là gặp được rể hiền.

Xung quanh quan hệ giữa bố vợ và con rể cũng có lắm chuyện “trà dư tửu hậu” (Ảnh minh họa)

Hồi Hà Nội bao cấp, ở phố cổ mà có con gái đi lấy một ông Tây, hoặc hạnh phúc hoặc bất hạnh, thường là chuyện tương đối hiếm. Giai thoại cũ rích kể rằng khi chàng rể ngoại ra mắt bố mẹ vợ, thì ngọng nghịu khoanh tay thưa “con muốn là con dê cụ”.

Ở sâu xa, cái ông Tây lễ phép này đã hình như đúng. Bởi trong mắt của nhiều ông bố bà mẹ có ái nữ đến tuần cập kê, thì đa phần những tay tới cầu hôn, hoặc thập thò trước ngõ hoặc đàng hoàng biếu quà, phong độ đều nhang nhác giống như con dê già. Vì đơn giản, đứa con gái nhà mình đang loay hoay vừa lớn, luôn là trong trắng, là xanh non, là chẳng biết gì.

Chính vì ngây thơ như vậy nên con gái thỉnh thoảng hay bị ngã. “Bé thì ngã sấp, lớn khôn thì ngã ngửa” (Romeo và Juliet, trang 15). Tuy cái bọn con rể đấy không phải chủ mưu đẩy ngã, nhưng âm mưu giả vờ nâng niu chạy lại để nguy hiểm đỡ thì lộ lắm. Từng đã “thập thò” một thời, hiển nhiên bố vợ có bao la kinh nghiệm. Có phải thế chăng mà lịch sử quan hệ giữa nhạc phụ đại nhân và nữ tế, ngoài những trang thơm phức hoa hồng là những trang nghẹn ngào phảng phất mùi thuốc súng.

Với những đàn ông đang vất vả trên hoạn lộ, thì bố vợ làm to, công sức còn quan trọng gấp mấy mươi lần bố đẻ.

Nhân đây cũng xin bàn chuyện tại sao bố vợ lại được gọi là “nhạc phụ”. Sách “Tân Đường Thư” ở bên Tàu chép: Đường Minh Hoàng (712-756) đi làm lễ “Cáo” ở núi Thái Sơn. Lễ này chỉ dành riêng cho bậc vương giả, tự thấy mình được hưởng công đức lớn quá thì phải “báo cáo” lên Thượng đế những đại sự như lên ngôi Vua, sách phong Thái tử, xuất chinh hoặc khải hoàn chiến thắng… Lễ tế chọn ngọn núi cao nhất (Thái Sơn) trong “ngũ Nhạc” - năm danh sơn lừng lẫy ở Trung Quốc.

Lúc ấy, Trương Duyệt làm tể tướng, vua cử đảm nhiệm mọi sự. Khi việc xong xuôi, Trịnh Dật là con rể chẳng phải làm gì nhưng bỗng từ hàm cửu phẩm thăng vọt lên ngũ phẩm. Minh Hoàng lấy làm lạ bèn hỏi cớ.

Có một viên quan đứng cạnh cay đắng tâu “ấy là nhờ sức của Thái Sơn vậy”. Thái Sơn ở hướng đông, còn gọi là là Đông Nhạc. Kể từ đấy, kiểu gọi bố vợ là “nhạc phụ” không những phổ cập ở Tàu mà còn sâu sắc lan rộng ở ta. Ca dao Việt có câu “công cha như núi Thái Sơn”, sách giáo khoa thống nhất giải thích, cha ở đây là cha đẻ. Có điều, với những đàn ông đang vất vả trên hoạn lộ, thì bố vợ làm to công sức còn quan trọng gấp mấy mươi lần bố đẻ.

Thuở sơ khai chưa văn minh, đàn ông đi lấy vợ thì thường có vài năm ở rể. Cái hồi trong trắng “mẫu hệ” ấy, đàn bà đang chiếm thượng phong. Con thì lấy theo họ mẹ và sổ đỏ trong nhà thì vợ đứng tên. Chàng rể chăm chỉ ngày hai buổi phát nương làm rẫy, tới bữa ăn ngồi đầu nồi xới cơm. Lần lượt hai tay bưng đưa ông của vợ, bà của vợ, bố của vợ, mẹ của vợ, thậm chí cho cả anh chị em đằng nhà vợ.

Bây giờ nghe thì tê tái thê thảm nhưng lúc đó là lẽ đương nhiên. Đấy là chưa kể lúc trước hôn nhân, người Việt còn có lệ “Sêu”. Sêu là việc dâng quà biếu theo mùa cho nhạc phụ nhạc mẫu tương lai. Thời trân mùa nào thức ấy, đại loại là những thứ tự tay mình trồng được. Mùa hồng sêu hồng, mùa nhãn sêu nhãn. Trung Thu thì nửa cân cốm, Nguyên Đán thì một đôi gà.

“Hối lộ” miệt mài như vậy, bỗng số đen gặp phải nhà vợ hơi hơi thích “mùi đồng” thì hôn nhân vẫn có cơ đi vào tuyệt lộ. Chua chát đến tột cùng, chàng trai nhà quê thuở ấy thở than qua ca dao.

“Thế là em đi lấy chồng. Để cốm anh nát để hồng long tai. Tưởng là long một long hai. Ai ngờ long cả trăm hai quả hồng”. Đám con rể ở phố hôm nay khôn ngoan rút kinh nghiệm. Khi đi sêu thì thường bằng cổ phiếu có xuất xứ mập mờ. Nhỡ có “nát” có “long” thì tỉ suất đau lòng cũng không đến nỗi xót xa rơi lệ.

Có phải thế chăng mà nhiều chàng rể tiểu khí thù sâu nhớ dai, hôn nhân xong xuôi thì thăng hoa sinh hỗn. Đích bắn thường vẫn là nhạc phụ đại nhân. Cái câu thành ngữ “vênh vênh như bố vợ phải đấm” không ngẫu nhiên mà có. Nguyên bản của câu này được các học giả chỉ sở hữu con gái tranh cãi rất nhiều.

Có người được rể ngoan thì mềm mại giải thích “Vênh vênh như khố rợ phải lấm”. Có người được rể sang thì hạnh phúc giải thích “Vênh vênh như bố vợ cậu ấm”. Con rể có đấm bố vợ không thì sử sách không thấy chép nhiều, nếu nhỡ có cũng thường để ở mục tồn nghi.

Con trai Hà Nội nói chung đều khoan hòa nhân hậu, ngay cả lưu manh như thằng Xuân tóc đỏ thì cư xử với nhà vợ vẫn xã giao khéo léo, vì thế cứ ra ngõ là gặp được rể hiền.

Hôm rồi vô tình gặp một ông bạn thương gia có “nhõn” một ái nữ, ông ngấm ngầm khoe: “Thằng rể nhà này ngoan khó thể tả. Hôm nọ mới sụt sùi cảm tý tẹo. Vậy mà nó rưng rưng đến tận giường cầm tay nức nở thủ thỉ. Bố ốm quá, thương bố ghê. Bây giờ bố có tuổi rồi, còn bao nhiêu vàng hay sổ tiết kiệm cứ chuyển con giữ hộ, phòng khi trái nắng trở giời. Chao ôi, nghe mà mát cả ruột”.

Tác giả bài viết: Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP