Kinh tế

Quốc vương Thái Lan - tỷ phú đôla với triết lý 'kinh tế vừa đủ'

Có tài sản được Forbes ước tính khoảng 30 tỷ USD, Quốc vương vừa qua đời của Thái Lan cũng nổi tiếng với triết lý kinh tế xuyên suốt cho quốc gia này.

Vua Bhumibol Adulyadej lên ngôi ngày 9/6/1946 lúc 18 tuổi. 12 năm trước đó, khi chế độ quân chủ chuyên chế kết thúc, tài sản của hoàng gia Thái Lan đã bị tịch biên. Đến năm 1947 - tức một năm sau khi Quốc vương Bhumibol ngồi trên ngai vàng, tài sản này đã chính thức được trao trả. Từ đó đến nay, tài sản được quản lý bởi Văn phòng Hoàng gia và Cục Quản lý tài sản Hoàng gia. Hai cơ quan này không bị chi phối của Chính phủ Thái Lan mà chịu sự quản lý trực tiếp từ Nhà vua. Đồng thời, Nhà vua cũng sẽ là người bổ nhiệm lãnh đạo cho hai cơ quan này.

Đến nay, câu chuyện về khối tài sản thật sự của hoàng gia Thái Lan vẫn gây tò mò đối với giới học giả nước ngoài. Thông tin này hầu như không được công bố. Người dân và Chính phủ Thái Lan cũng không thắc mắc vì “Luật khi quân” không cho phép người dân xúc phạm hay bàn tán về bất kỳ ai trong hoàng tộc. Một phần của lý do là với những đóng góp của Nhà vua cho đất nước thì sự lớn mạnh về tài chính của hoàng gia cũng là điều mà người Thái cảm thấy hài lòng.


Quốc vương Thái Lan trong buổi lễ tiếp đón nữ hoàng Anh.

Theo danh sách các vị vua giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes và Business Spectato, đến năm 2014, Vua Bhumibol là vị vua giàu nhất thế giới với tổng giá trị tài sản khoảng 30 tỷ đôla. Ông sở hữu hơn 3.000 hecta đất ở trung tâm Bangkok và có cổ phần tại 2 tập đoàn hàng đầu Thái Lan là Siam Cement Group (SCG) và Siam Commercial Bank (SCB). Ngoài ra, Nhà vua cũng đang sở hữu viên kim cương đã qua chế tác lớn nhất thế giới - Golden Jubilee, nặng 545,65 carat cùng 2 chiếc Limousine được thiết kế riêng.

Việc công bố bảng xếp hạng này của Forbes đã không ít lần vấp phải sự phản đối của Bộ Ngoại giao Thái Lan. Vào năm 2008, Bộ ngoại giao nước này từng ra thông báo rằng, việc Forbes xếp Vua Bhumibol là vị vua giàu nhất thế giới giai đoạn đó là "không chính xác và mâu thuẫn". Thái Lan cho rằng, Forbes đã tính cả nhiều tài sản vốn thuộc về Cục quản lý tài sản Hoàng gia chứ không phải của riêng Nhà vua. Theo Reuters, Văn phòng Hoàng gia Thái Lan cũng không có thông lệ công bố thu nhập cũng như mức chi tiêu hằng năm của gia đình Nhà vua.

Dù tác động tích cực đến kinh tế đất nước lẫn tài sản riêng của hoàng gia, nhưng Vua Bhumibol lại là người đề xuất theo đuổi triết lý “sufficiency economy” (tạm dịch là “kinh tế vừa đủ”). Ở Thái Lan, triết lý này còn được biết đến với tên gọi "just-enough economy". Theo lý giải của một số chuyên gia, do là người theo đạo Phật nên triết lý kinh tế của Nhà vua cũng mang tinh thần “biết đủ” của nhà Phật.

“Là một con hổ không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta phải có một nền kinh tế vừa đủ. Một nền kinh tế vừa đủ có nghĩa là phải có đủ lực để hỗ trợ chính mình. Chúng ta phải có một bước chuẩn bị cẩn trọng; mỗi làng, mỗi huyện phải tự túc được cho mình”, nhà vua Bhumibol từng chia sẻ về triết lý kinh tế này của mình.

Ngày nay, triết lý “kinh tế vừa đủ” vẫn được xem là một trong những giá trị cốt lõi mà giới lãnh đạo của những doanh nghiệp như SCG theo đuổi. Được Nhà vua đề xuất vào những năm 70, triết lý này nhằm định hướng lối sống và hành vi của người Thái, giúp họ có thể hưởng lợi tối đa từ sự phát triển của đất nước một cách công bằng, toàn diện và bền vững. Về dài hạn, triết lý còn giúp xã hội Thái Lan có được sự ổn định. Bản thân những doanh nghiệp như SCG cho rằng, nó đã góp phần giúp tập đoàn vượt qua những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng.

“Phát triển kinh tế phải thực hiện từng bước một. Nó phải bắt đầu bằng việc tăng cường các nền tảng kinh tế của chúng ta, bằng cách phải đảm bảo phần lớn dân số đủ sống… Khi một tiến trình đã đạt được, chúng ta nên bắt tay vào những bước tiếp theo, thông qua việc theo đuổi các cấp độ cao cấp hơn của việc phát triển kinh tế”, Vua Bhumibol từng nói.

Tác giả bài viết: Viễn Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP