Trong nước

Quốc hội có thể mời lãnh đạo địa phương đến giải trình

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội trò chuyện với Tiền Phong xoay quanh đề xuất chất vấn, yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành lên báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ hoặc các Ủy ban của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An

Sửa quy định về chất vấn, giải trình

Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, liên quan công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thư ký Quốc hội gợi ý Ban Dân nguyện có thể mời cả chủ tịch UBND tỉnh, thành có nhiều đơn thư, vụ việc không được giải quyết để giải trình, làm rõ. Ông thấy sao về ý tưởng này?

Theo phân cấp thì việc chất vấn chủ tịch UBND cấp tỉnh thuộc HĐND, còn Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ. Nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay các Ủy ban của Quốc hội hoàn toàn có thể mời lãnh đạo các tỉnh, thành đến để giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan, đặc biệt là những vấn đề có thể gây tác động, ảnh hưởng đến tình hình chung, chứ không chỉ ở một tỉnh đó.

Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, có thể mời chủ tịch UBND các tỉnh, thành giải trình, làm rõ vấn đề trước Quốc hội

Vấn đề này liên quan đến quy định trong luật. Bây giờ chưa có quy định đó, nhưng tại diễn đàn Quốc hội trước đây cũng đã mời một số chủ tịch UBND cấp tỉnh để làm rõ một số nội dung liên quan. Tôi còn nhớ, Quốc hội từng mời 12 người đứng đầu địa phương đến báo cáo, làm rõ thêm về vấn đề phòng cháy chữa cháy. Khi làm các nội dung liên quan đến Hà Nội, TPHCM hoàn toàn có thể mời lãnh đạo đến dự, mục đích để họ báo cáo, làm rõ thêm vấn đề.

Về lâu dài, có thể xem xét sửa luật theo hướng như vậy. Các cơ quan của Quốc hội khi giám sát thấy nổi lên vấn đề có thể yêu cầu lãnh đạo các địa phương trả lời, làm rõ thêm.

Trong khi chờ sửa luật, tại các kỳ họp, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể mời người đứng đầu các địa phương đến làm rõ những vấn đề liên quan?

Việc đó hoàn toàn có thể làm được, ví dụ khi làm về khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, không chỉ mời các cơ quan liên quan trực tiếp như Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, LĐTB&XH… Quốc hội, Ủy ban Thường vụ có thể mời các địa phương liên quan. Trong quản lý đô thị có thể mời chủ tịch hai thành phố lớn đến để làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

Người đứng đầu địa phương được mời đến để làm rõ, cung cấp thêm thông tin về những vấn đề Ủy ban Thường vụ và Quốc hội quan tâm, đó là hình thức tốt, sáng tạo. Trên thực tế chúng ta đã làm rồi. Họ là cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương nên nắm bắt vấn đề rất sát, trên cơ sở đó vừa cung cấp thông tin cho Quốc hội, vừa thể hiện vai trò giám sát đến cả cơ sở. Tất nhiên, chất vấn chủ tịch UBND thuộc thẩm quyền của HĐND, nhưng ở đây là báo cáo giải trình, cung cấp thông tin và làm rõ thêm những vấn đề mà Quốc hội quan tâm.

Còn tại các phiên họp Ủy ban của Quốc hội thì sao, thưa ông?

Các Ủy ban của Quốc hội có thể mời lãnh đạo các tỉnh đến để cung cấp thông tin, và đó là hình thức rất trực tiếp, mang lại hiệu quả hơn việc gửi báo cáo đơn thuần. Ví dụ, khi triển khai nội dung về công tác quy hoạch, tỉnh nào làm tốt, tỉnh nào làm chưa tốt, có thể mời họ đến, làm rõ xem vì sao làm tốt, tại sao không làm tốt, có việc gì khúc mắc không?... Qua đó những vướng mắc sẽ được tháo gỡ và đó cũng là cơ hội để cho địa phương có điều kiện giải trình, báo cáo.

Nêu đích danh người không tiếp công dân

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh một số nơi làm tốt, vẫn còn không ít lãnh đạo địa phương đùn đẩy cho cấp dưới . Qua thực tế giám sát, ông đánh giá như thế nào về việc này?

Khi giám sát về khiếu nại tố cáo, các đoàn giám sát đánh giá rất kỹ việc tiếp công dân, xử lý đơn thư ở cơ sở. Tới đây đoàn giám sát sẽ có những kiến nghị cụ thể sau khi tiến hành giám sát về khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.

Qua theo dõi từ Quốc hội khóa trước đến khóa này, trong đánh giá về tiếp công dân vẫn còn tình trạng người đứng đầu địa phương không thực hiện hết quy định của luật. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng uỷ quyền cho cấp dưới.

Có ý kiến cho rằng, những địa phương nào mà chủ tịch tỉnh, thành làm không tốt, không đúng quy định tiếp công dân, cần phải công khai, nêu đích danh trên các phương tiện thông tin đại chúng?

Cái đó rất nên làm. Tất nhiên phải tạo điều kiện để địa phương giải trình, làm rõ khúc mắc ở chỗ nào, nguyên nhân ra sao. Về nguyên tắc, đã quy định trách nhiệm rõ ràng anh phải làm, nếu không làm thì phải xử lý. Địa phương nào mà lãnh đạo tỉnh, thành không tiếp công dân theo quy định thì không hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.

Thực tế, cơ quan Quốc hội đã kiến nghị việc này rồi, cơ quan thanh tra có kiến nghị rồi, nên trước hết người đứng đầu địa phương phải làm nghiêm. Nếu anh không làm đúng quy định là vi phạm.

Cảm ơn ông.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP