Du lịch

Quốc gia từng tuyên bố vỡ nợ "mở bung cửa" nhưng không ai dám đến

Từng là một trong những điểm đến hàng đầu nhưng đến nay do bất ổn chính trị và lạm phát ở mức 69% khiến Sri Lanka đang đìu hiu vắng bóng khách du lịch.

"Thiên đường du lịch" đìu hiu

Hàng ngày, anh Athula Nandana sống ở thị trấn Dambulla (Sri Lanka) đều ra bãi đỗ xe xung quanh những ngôi đền chờ đón khách. Anh mời chào họ tới nhà hàng nhỏ bên đường của gia đình dùng bữa trưa. Người đàn ông liên tục giới thiệu về dịch vụ nấu ăn tại nhà, có bữa trưa miễn phí cho hướng dẫn viên du lịch.

Một du khách chụp hình bên bãi biển ở Sri Lanka (Ảnh: Travel).

"Trước đây chúng tôi có khoảng 600 khách mỗi ngày, 40% là khách Anh. Nhưng hôm nay chỉ có 6 khách người Tây Ban Nha và chẳng ai muốn ăn. Ngày nào tôi cũng qua đây để kiếm khách, nhưng có lẽ chỉ cầm cự được khoảng 3 tháng nữa", anh nói.

Cách Dambulla chừng nửa giờ lái xe là tới Sigiriya - nơi có pháo đài đá xây dựng từ thế kỷ thứ V. Năm 2021, ước tính 700.000 du khách tới đây để chinh phục đỉnh cao, nhưng chỉ một năm sau, nơi này gần như không còn bóng người.

Tại bãi đậu xe chuyên phục vụ khách quốc tế, một nhóm khoảng 15 hướng dẫn viên đang đứng tán gẫu với nhau. "Mỗi ngày chúng tôi chỉ có khoảng 10 đến 15 khách. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi phải bỏ nghề", anh Saman Bandeira, trưởng nhóm cho biết.

Người Sri Lanka luôn mỉm cười bất chấp những tai ương dồn dập ập tới. Quốc gia vùng Nam Á này hứng chịu gần 30 năm nội chiến, trận sóng thần kinh hoàng năm 2004, bạo lực giáo phái và đại dịch Covid-19 đã tàn phá nơi này như những cơn bão cuối mùa, cướp đi sinh mạng, phá hủy sinh kế và san bằng ngành du lịch.

Quốc gia này từng là thiên đường nghỉ dưỡng của khu vực Nam Á (Ảnh: The Times).

Tháng 4/2022, Bộ tài chính Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ để đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng với tất cả các chủ nợ" trước khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp chương trình hỗ trợ.

Trước đó, du lịch từng là ngành du lịch chủ chốt, đóng góp 12% GDP cho quốc gia Nam Á này. Trước đại dịch, họ thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan các di tích được UNESCO công nhận, những khu nghỉ dưỡng sang trọng với bãi biển tuyệt đẹp, nơi nhiều người gọi là "thiên đường nghỉ mát".

Chính phủ nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ hay Canada đã lên tiếng cảnh báo công dân không nên tới Sri Lanka vào thời điểm hiện tại trước những lo ngại về bất ổn chính trị.

Tượng Phật bằng vàng ở Dambulla (Ảnh: The Times).

Mặc dù vào cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và phát triển đã cho phép người dân Anh tới đây du lịch. Tuy nhiên nhiều công ty lại không dám mở bán tour do hầu hết du khách đều e ngại sẽ gặp phải sự cố khi đến đây.

Theo tờ The Times (Anh), sự lo sợ của du khách hoàn toàn có lý, bởi chẳng ai muốn tới một nơi đang rơi vào tình trạng mất an ninh xã hội, thiếu thốn xăng dầu hàng hóa, không mua được hàng nhập khẩu và hàng loạt dịch vụ đóng cửa.

Mức lạm phát tại Sri Lanka lên tới 69%. Dự trữ ngoại hối thấp nghiêm trọng tới mức các khách sạn phải thanh toán bằng đồng USD để bổ sung kho bạc. Việc cắt điện diễn ra thường xuyên nên khách sạn, khu nghỉ dưỡng phải dùng máy phát điện chạy thay thế.

Vươn mình giữa những thách thức

Chris Haslam, cây bút của tờ The Times có dịp tới Sri Lanka thời gian gần đây. Trong một khách sạn vắng vẻ bên bãi biển ở Bentosa, Haslam làm quen với 2 nhà làm phim là Shehaan Thahir và Shenelle Rodrigo đến từ Colombo. Họ đã hoàn thành ngày thứ 42 trong hành trình chinh phục vòng quanh hòn đảo bằng xe đạp.

"Khi rời Colombo, bạn bè tôi cảnh báo rất nhiều về tình trạng bất ổn ở nơi này. Nhưng khi đặt chân tới, chúng tôi chỉ cảm nhận được lòng hiếu khách của người dân", anh Shehaan cho biết.

Đi tàu qua những đồn điền chè là một trong những trải nghiệm nhiều người ưa thích ở quốc gia này (Ảnh: Travel).

Còn với Jay Milner, 22 tuổi, du khách người Anh tới tham quan một vịnh nhỏ ở Hiriketiya khoảng 2 tuần, quyết định ở lại đây tới khi "hết tiền thì về".

"Nơi này mới đúng nghĩa là thiên đường", chàng trai 22 tuổi nhận định.

Dù các nhà hàng, quán bar ven biển đều mở cửa đón khách, nhưng chỉ lác đác khách đến từ Hà Lan hay Tây Ban Nha. Tâm trạng mọi người đều thoải mái.

"Tôi rất thích nơi này. Món cà ri cua chỉ có giá khoảng 5 bảng Anh (hơn 140 nghìn đồng). Còn những bãi biển vắng khách thì quá đẹp", du khách người Anh có tên Henrik nhận xét.

Trước mắt, ngân hàng trung ương ước tính du lịch có thể mang lại khoảng 135 triệu bảng Anh mỗi tháng cho quốc gia này. Khoản tiền giúp thanh toán việc nhập khẩu phân bón, thuốc men và khí đốt đang rất cần thiết.

"Tôi nghĩ Sri Lanka sẽ mạnh mẽ hơn sau hàng loạt thử thách", một bác sĩ đã nghỉ hưu chia sẻ với Haslam.

Tác giả: Huy Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP