Pháp luật

Quế Phong: Tan hoang rừng 163

Hàng chục hecta rừng theo Nghị định 163 được Nhà nước giao cho các hộ dân khoanh nuôi, sản xuất trên địa bàn bản Long Quang, xã Tiền Phong (Quế Phong - Nghệ An) đang bị chặt hạ không thương tiếc, ảnh hưởng không nhỏ đến độ che phủ, tác động xấu đến hệ sinh thái rừng đầu nguồn.

Rừng 163 tại bản Long Quang, xã Tiền Phong bị chặt hạ, nhiều gốc cây có đường kính lớn.

Thời gian gần đây, chúng tôi nhận được thông tin nhiều diện tích rừng ở bản Long Quang, xã Tiền Phong bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều cánh rừng dọc các khe, suối bị chặt phá trái pháp luật để trồng keo, lấy gỗ…

Những ngày cuối tháng 3/2017, theo chân người dân địa phương dẫn đường, chúng tôi tìm về những khu rừng nằm khuất sâu dọc các khe, suối ở bản Long Quang, để “mục sở thị” những cánh rừng bị chặt hạ.

Mới đi bè qua sông Việc, một người dân bản địa sống lâu năm ở bìa rừng biết chuyện chúng tôi vào xem rừng bị phá đã thốt lên: “Còn gì nữa đâu, rừng bị người ta chặt hạ hết rồi. Xót lắm!”.

Mất khoảng 1 tiếng đồng hồ đi theo đường rừng và ngược khe Huồi Pẩu khô cạn, chúng tôi đã đến được nơi cần đến. Trước mắt chúng tôi là một lán trại dựng tạm bên khe nước khô cạn bị bỏ hoang. Phóng tầm mắt ra xa, một vạt rừng trải dài cả cây số bị chặt hạ, cây cối nằm ngổn ngang.

Men theo khe suối tiến sâu vào trong, những thân cây to đường kính chừng 50-60cm nằm la liệt xen giữa những cây lau, nứa bị đốn hạ. Khung cảnh tan hoang.

Người dẫn đường cho biết, hôm trước, sau khi dân báo lên, cán bộ kiểm lâm địa bàn và huyện đã về đo đạc, ước chừng khu vực này có 17ha rừng bị chặt hạ. Người này cũng cho biết thêm, những cây gỗ rừng bị chặt hạ tuy là gỗ tạp nhưng không bị mối mọt, có thể làm nhà. Khi cán bộ kiểm lâm đo đạc trên diện tích 50m2 thì có khoảng 1 khối gỗ tròn các loại.

Được biết, những cánh rừng này đã bị chặt hạ cách đây gần 1 tháng. Cách đó không xa, một khu rừng khác cũng vừa mới bị chặt hạ cách đây 1 tuần, diện tích ước chừng khoảng 1ha.

Những cánh rừng bị đốn hạ này đều đã được Nhà nước giao đất, giao rừng cho người dân theo Nghị định 163 của Chính phủ.

Một hộ dân sống tại bìa rừng ở bản Long Quang khi được hỏi đã nói: “Không thể để cho họ phá rừng đầu nguồn. Thấy họ phá rừng mà chúng tôi hoảng”.


Ông Võ Khánh Toàn, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho hay: Đất đây là đất rừng theo Nghị định 163, được Nhà nước giao cho dân khoanh nuôi, sản xuất. Sau khi phát hiện rừng bị chặt hạ, xã đã cùng phối hợp với kiểm lâm địa bàn xuống hiện trường lập hồ sơ, lập biên bản đình chỉ. Khu vực rừng bị chặt hạ cách đây khoảng 1 tháng có tổng diện tích 17ha. Hiện, toàn bộ hồ sơ vụ việc đã chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

Theo ông Toàn, diện tích rừng bị chặt hạ trước đó đã được giao cho hộ ông Vi Văn Hòa, Lương Văn Ghê ở bản Long Quang khoanh nuôi, bảo vệ. Tuy nhiên, không phải do 2 hộ này “phát” mà là do một số đối tượng khác vào “phát” rừng”.

Khi được hỏi tại sao để xảy ra hiện tượng chặt phá một diện tích rừng lớn hàng chục héc ta, chính quyền và lực lượng kiểm lâm địa bàn mới phát hiện và ngăn chặn, ông Toàn phân trần: Do nằm trong thời điểm giáp Tết, xã đang tập trung cho việc sản xuất cây lúa nước. Hơn nữa, lực lượng cán bộ của xã, cán bộ lâm nghiệp quá mỏng nên không bao quát được toàn bộ diện tích rừng rộng lớn trên địa bàn.

Ông Lê Văn Lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong, cho biết: Sáng 29/3, Viện Kiểm sát, Công an, Kiểm lâm huyện đi khám nghiệm hiện trường. Kết quả đã có nhưng đang trong quá trình công an điều tra, khi nào xong sẽ thông tin chính thức, cụ thể về vụ việc này.

Tác giả: Đình Lam - Duy Ngợi
Nguồn: Theo kinh tế nông thôn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP