Trong tỉnh

QL48E sau nâng cấp: Hẹp, mất an toàn do rãnh hở

Việc xây dựng rãnh thoát nước hở trong khu đông dân cư đã khiến QL48E ở Nghệ An vừa hẹp, vừa tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Rãnh thoát nước dọc QL48E đoạn qua xóm Tân Tiến, xã Quỳnh Bảng được thiết kế hở hình thang khiến đoạn đường này hẹp hơn trước

Nâng cấp xong đường lại... hẹp hơn

Nhiều người dân xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phản ánh đến Báo Giao thông: Hệ thống rãnh thoát nước trên tuyến QL48E đoạn qua địa phương này vừa mới được thi công xong. Mặc dù cả đoạn tuyến dài đều qua khu đông dân cư nhưng rãnh thoát nước lại được thiết kế hở, không có nắp đậy. Thực trạng này vừa tiềm ẩn nguy cơ TNGT, vừa gây ra những bất tiện trong sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán của người dân.

Sáng ngày 28/5, PV Báo Giao thông đã có mặt tại đoạn đường này và ghi nhận tuyến đường có lưu lượng phương tiện khá lớn. Mặt đường êm thuận, vôi ve sáng rõ… nên các phương tiện dễ dàng lưu thông với tốc độ cao.

Đúng như người dân phản ánh, toàn bộ rãnh thoát nước qua đoạn đường được thiết kế theo hình chữ V., phần trên rộng khoảng 60cm, phần dáy rộng khoảng 50cm, sâu khoảng 40cm.

Đặc biệt, chỉ những phần trước cửa ra vào của nhà dân mới được đậy lại bằng các tấm đan bê tông để đi lại, toàn bộ phần còn lại đều được để hở. Trong khi đó, trên đoạn này lại không có cọc tiêu hay hộ lan nên cảm quan nhìn vào rất nguy hiểm.

Đứng rước cửa quán của gia đình, anh Đoàn Việt Phương (SN 1978, ở xóm Tân Tiến, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu) bức xúc: Cả đoạn đường này đều chạy qua dân cư, nhưng mương nước để hở thế này, trong khi không có hộ lan hay cọc tiêu, chỉ cần sơ xảy là cả người và xe lao xuống mương. Chưa hết, mỗi nhà chỉ được 3 tấm đan đậy trước cửa, cộng lại chỉ rộng khoảng 3m, còn ở quán không có, gia đình phải tự làm tấm đan để dễ đi lại.

Cũng theo anh Phương: Hệ thống rãnh thoát nước này được xây dựng và hoàn thiện sau Tết năm 2021. Hiện chưa xảy ra TNGT nhưng nếu để kéo dài tình trạng này thì kiểu gì cũng xảy ra TNGT. Chưa hết, với mương hở như trên, mùa mưa đến nước chảy che lấp mặt rãnh nước sẽ rất nguy hiểm cho trẻ con và người già.

Có cùng quan điểm, gia đình ông Nguyễn Tố Khoan (81 tuổi, ở xóm Minh Thắng, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu) cho biết: Mảnh đất nhà tôi bám mặt đường QL48E dài 27m, tuy nhiên chỉ có 1 đoạn trước cửa ra vào nhà là được đậy kín bằng tấm bê tông, còn lại là để hở. Ngay khi đang thi công, gia đình tôi có hỏi thì các công nhân nói thiết kế chỉ từng đó. Vì nhà có nhiều cháu nhỏ tuổi, sợ các cháu ngã xuống nên gia đình đã phải bỏ ra khoảng 5 triệu đồng để thuê người đúc tấm bê tông, đậy kín toàn bộ rãnh nước trước nhà mình.

Bà Hoàng Thị Liên - Xóm trưởng xóm Minh Thắng cũng bức xúc không kém: Tuyến đường này buổi tối bà con đi bộ thể dục, thể thao rất nhiều. Trước đây, lề đường bằng đất, bà con có thể đi bộ trên phần đó. Nay phần này được dùng làm rãnh thoát nước nhưng không có nắp đậy, người dân muốn đi bộ thì phải đi ra lòng đường, rất nguy hiểm vì xe cộ nhiều.

“Người ta hay nói, nâng cấp mở rộng đường, chứ làm như thế này thì đường hẹp và nguy hiểm hơn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã cũng như trong các cuộc họp HĐND xã nhưng vẫn chưa được khắc phục”, bà Liên nói

Khi được hỏi thì nhóm công nhân đang thi công rãnh thoát nước tại khối 6, phường Quỳnh Xuân cho biết: Chúng tôi chỉ là những công nhân làm thuê, thiết kế như thế nào thì thi công như vậy.

“Qua thực tế thi công chúng tôi cũng nhận thấy rãnh thoát nước qua khu đông dân cư như thế này mà thiết kế hở là bất cập. Chú cứ nhìn đoạn chưa làm và đoạn đã làm rồi mà xem, chưa làm thì đường rộng, làm rồi thì đường hẹp. Chỉ cần 2 xe tránh hoặc vượt nhau thì xe máy hoăc xe đạp đi cùng sẽ rất nguy hiểm”, một công nhân nói.

Cách tổ công nhân đang thi công chỉ khoảng hơn 100m, anh Hồ Văn Thi thắc mắc: Cũng trên tuyến đường này, cũng đang nằm trong khu đông dân cư, nhưng các đoạn khác thì làm mương, đến đoạn của gia đình chúng tôi thì không làm.

Ban Quản lý Bảo trì đường bộ thuộc Sở GTVT Nghệ An sẽ rà soát lại và bổ sung cho người dân

Lắp bổ sung cho người dân trước khi nghiệm thu, bàn giao

Trước thực tế này, ông Hồ Bá Thái - Giám đốc BQL Bảo trì đường bộ thuộc Sở GTVT Nghệ An cho biết: Đối với rãnh thoát nước trong dự án này, những đoạn đi qua nhà dân đông đúc, sat sát thì được thiết kế bằng rãnh hộp có nắp đậy chịu lực hình sóng. Còn đối với những đoạn qua nhà dân thưa thớt (có hàng rào chạy theo mặt đường cả chục mét) thì làm rãnh hình thang, có tấm đan bê tông bắc qua cửa ra vào nhà dân.

Theo ông Thái: Trước đây, Ban có nghe người dân xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu phản ánh về bất cập trong quá trình xây lắp tấm đan hình sóng qua địa phương này. Ngay lập tức, Ban đã cử cán bộ cùng các kỹ sư bên đơn vị thi công xuống trực tiếp rà soát. điều chỉnh hạ cao độ nắp đậy cho phù hợp. Còn ở đoạn qua xã Quỳnh Bảng, đến nay chưa hề nhận được phản ánh nào của người dân. Nếu có phản ánh của người dân, Ban sẽ kiểm tra và nếu có phương án khắc phục ngay những bất cập.

"Mong muốn của chúng tôi là mọi đoạn đường đi qua khu đông dân cư đều được thiết kế rãnh kín, có nắp đậy thì tốt hơn. Nếu như khu dân cư này là đất quy hoạch dự án mới, nhà san sát nhà thì sẽ xây dựng rãnh hình hộp, nắp kín chịu lực. Tuy nhiên, nguồn lực vốn bảo trì đường bộ còn hạn chế, trong khi đó, các hộ dân này tuy bám mặt đường nhiều nhưng chỉ có cổng 3 - 5m, còn lại là tường rào. Với nguồn lực vốn bảo trì còn hạn chế và hiện trạng thực tại, việc xây dựng rãnh thoát nước hình thang hở là phù hợp”, ông Thái nói.

Tiếp thu những phản ánh của PV Báo Giao thông, người đứng đầu BQL Bảo trì đường bộ thuộc Sở GTVT Nghệ An cho biết thêm: Tuyến đường này có bề rộng là 5,5m, lề đường mỗi bên 50cm nữa là 6,5m - đủ rộng cho các xe tránh nhau an toàn. Còn một số bất cập như ki ốt ra vào của dân không có tấm đan là do dự án được khảo sát từ năm 2018, đến nay đã qua 3 năm, cuộc sống người dân đã có nhiều thay đổi.

"Hiện tại dự án vẫn đang trong quá trình thi công, việc thiếu những tấm đan trước một số ki ốt hay tấm đan chưa phủ kín bề rộng cửa ra vào của nhà dân sẽ được lắp bổ sung thêm trước khi nghiệm thu, bàn giao. Còn với những đoạn chưa làm rãnh là do dự án được đầu tư theo từng giai đoạn, có thể dự án này chưa đầu tư đến đoạn đó…”, ông Thái cho biết thêm.

Công trình sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, gia cố lề, hệ thống thoát nước, an toàn giao thông các đoạn Km 12+16 - Km 14+400; Km 15+465,45 - Km 16+400; Km 20+820,59 -Km 23+900; Km 31+100 - Km 34+500; Km 37+300 - Km 40+00, QL48E, tỉnh dài 11,9km có tổng mức đầu tư 22,58 tỷ đồng.

Rãnh thoát nước được thiết kế 2 dạng, hình thang hở L=4137md và rãnh kín L=1620md.

Dự án do Ban Quản lý Bảo trì đường bộ thuộc Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao trong tháng 6/2021.

Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại trên đoạn tuyến này:

Anh Đoàn Việt Phương (SN 1978, ở xóm Tân Tiến, Quỳnh Bảng) bức xúc: Cả đoạn đường đều chạy qua dân cư, nhưng mương nước để hở, trong khi không có hộ lan hay cọc tiêu, chỉ cần sơ xảy là cả người và xe lao xuống mương.

Cũng từ ngày làm đường, anh không có lối vào nhà mới. Cả nhà phải đi theo cổng nhà cũ rồi mới vòng lên nhà.

Gia đình ông Nguyễn Tố Khoan (81 tuổi, ở xóm Minh Thắng, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu) đã bỏ ra khoảng 5 triệu đồng để đậy kín toàn bộ rãnh thoát nước

Một cửa hàng ở xóm Quang Minh không được lắp tấm đan, gia chủ phải dùng tấm ván bắc cầu qua rãnh cho người dân vào mua hàng.

Ở phía đối diện , 3 tấm đan bê tông được đậy sơ sài, theo người phụ nữ ngồi bán hàng thì không biết khi nào họ làm nốt.

Một ki ốt trên tuyến QL48E phải đóng cửa gần 1 năm nay vì làm rãnh cắt mất lối vào. Hiện tại đơn vị thi công cũng mới chỉ để tạm bợ vài tấm bê tông bắc qua rãnh

Một gia đình khác thì tấm đan vào nhà nhỏ hơn chiều rộng cửa ra vào

Để đi lại, có gia đình đã phải lấp đất dưới rãnh gây đọng nước

Ở một lối vào dân cư khác, không được đậy bằng tấm đan bê tông mà lại đổ cát sỏi xuống rãnh

Bà Hoàng Thị Liên - Xóm trưởng xóm Minh Thắng, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu bức xúc: đường chưa làm thì rộng, làm rồi thì hẹp và nguy hiểm

Rãnh hở, sâu làm bó hẹp mặt đường. Chỉ cần 2 chiếc xe tải đi ngược chiều thì xe máy xe đạp chỉ còn nước xuống mương.

Cũng theo bà Liên, lúc đầu tấm đan trước ngõ vào nhà bà được đặt rất cao, dốc nên xe cộ không vào được. Sau khi phản ánh, tấm đan đã được hạ xuống nhưng phần đáy không được nâng lên nên gây đọng nước nhiều

Những công nhân thi công đoạn qua khối 6, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai cho biết, thiết kế rãnh thoát nước như vậy dù vẫn biết là bất cập... nhưng vẫn thi công.

Tác giả: Văn Thanh - Sỹ Hòa

Nguồn tin: atgt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP