Với đa số người dân thì vảy cá là một trong những thứ phế phẩm, đương nhiên phải vứt bỏ khi chế biến món ăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây có rất nhiều thương lái đến các làng nghề làm khô ở miền Tây thu mua vảy cá.
Theo người dân làng khô Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), việc thương lái thu mua vảy cá đã xuất hiện từ năm 2017 nhưng thời điểm đó giá vảy cá chỉ có 500 đồng/kg, sau đó tăng dần lên 2.000 đồng/kg.
Hện tại, giá vảy cá là 5.000 đồng/kg, thậm chí tăng lên 10.000-12.000 đồng/kg do có nhiều thương lái khác đến tranh mua. Bao nhiêu vảy cá thương lái cũng mua hết.
Từ đồ bỏ đi, vảy cá được thu gom để bán. |
Trao đổi với Đất Việt chiều 3/7, ông Lưu Văn Tiến - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tam Nông cho biết, đơn vị này đã nắm được thông tin liên quan đến việc thương lái tranh nhau mua vảy cá.
"Ngay sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã cử một số cán bộ có chuyên môn xuống địa phương để tìm hiểu cụ thể tình hình. Hiện tại vẫn chưa thể khẳng định việc thương lái thu mua vảy cá sẽ có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến ngành cá của địa phương.
Do vậy, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị cấp xã thường xuyên theo dõi tình hình, qua đó báo cáo lên phòng để tìm phương án xử lý phù hợp.
Theo những người có chuyên môn, việc thương lái thu mua vảy cá trước mắt đã giúp người dân có thêm một khoản thu nhập, bảo vệ môi trường. Bởi trước đây, vảy cá thường bị bỏ đi, vứt ra ngoài môi trường gây ô nhiễm", ông Tiến cho biết thêm.
Theo một số thông tin mà ông Tiến nhận được, các thương lái mua vảy cá tại huyện Tam Nông chủ yếu là người địa phương. Những người này thu mua vảy cá tại các cơ sở chế biến rồi đổ cho các đầu nậu ở Tiền Giang. Sau đó, các đầu nậu này sẽ tiến hành sơ chế, sấy khô rồi xuất sang Hàn Quốc. Tại đây, vảy cá có thể được sử dụng để làm chỉ y tế.
"Tuy nhiên, những thông tin này vẫn chưa được xác minh cụ thể. Do đó, chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn, theo dõi sát hơn vụ việc. Sau khi có thông tin cụ thể sẽ cung cấp cho báo chí", Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tam Nông nhấn mạnh.
Cùng ngày, trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND xã Phú Thọ (huyện Tam Nông) cũng xác nhận thông tin liên quan đến việc thương lái đổ xô mua vảy cá tại các cơ sở chế biến.
"Hiện địa phương vẫn đang theo dõi và tìm hiểu sự việc. Do chưa có thông tin cụ thể nên chưa thể cung cấp thông tin", vị lãnh đạo xã Phú Thọ nói.
Nhiều năm làm khô tại huyện Tam Nông, chị Kim Liên (chủ cơ sở sản xuất khô Kim Liên) cho biết, từ năm 2017, thương lái bắt đầu tranh nhau đến thu mua vảy cá lóc, với giá khởi điểm chỉ 500 đồng/kg.
Tuy nhiên, sau đó, giá vảy cá lóc bắt đầu tăng dần. Hiện tại, vảy cá lóc đang ở mức 5.000-6.000 đồng/kg. Ngoài vảy cá lóc, hiện thương lái còn mua thêm vảy cá các loại như: cá diêu hồng, cá rô phi...
Vừa sản xuất, kinh doanh khô vừa thu gom vảy cá bán cho một thương lái trung gian ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) gần một năm nay, chị Võ Thị Lệ Hoa cho biết là có nhiều thương lái đến và tranh giành mua vảy cá lóc ở mức 10.000-12.000 đồng/kg. Bản thân cũng cảnh giác với việc giá vảy cá lóc biến động, chị Hoa đã yêu cầu thương lái đặt cọc tiền mới đồng ý thu mua cho họ.
"Trung bình mỗi ngày, mình thu gom được hơn 100 kg vảy cá và sau 2-3 ngày, thương lái sẽ đến thu mua một lần. Điều đáng nói là, bản thân mình và thương lái trung gian rất mù mờ về sản phẩm vảy cá sau khi được thu mua", chị Hoa chia sẻ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong vảy cá chứa rất nhiều chất lecithin, có tác dụng tăng cường sức nhớ của bộ não và kéo dài sự suy lão của tế bào não. Ngoài ra, vảy cá còn chứa rất nhiều loại nguyên tố vi lượng phong phú, đặc biệt là hàm lượng canxi và phốt pho cao, có thể đề phòng được bệnh còi xương của trẻ em và bệnh loãng xương ở người già...
Tác giả: Hồng Hải
Nguồn tin: Báo Đất Việt