Lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với PMU2 hôm 3/9 |
Từ giữa tháng 8 tới nay, cứ bảy ngày một lần, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể lại lần lượt có lịch làm việc với một PMU thuộc Bộ. Quan sát thấy hai nội dung mà người đứng đầu ngành Giao thông thường lưu ý các PMU khi làm việc - đó là khâu giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tốt phục vụ thi công cao tốc, và yêu cầu đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn cho các dự án.
Ở PMU Thăng Long - một Ban “hùng mạnh” nhất Bộ, Bộ trưởng Thể yêu cầu phải lựa chọn cho được những người giỏi nhất để thực hiện nhiệm vụ quản lý Dự án cáo tốc Bắc - Nam. Sở dĩ người đứng đầu ngành Giao thông “lên dây cót” sẵn như vậy là vì PMU Thăng Long đang có hơn 200 “quân”, lại được giao quản lý, điều hành 2 dự án BOT trị giá hơn 20.000 tỷ, đang được xem là “hot” nhất tuyến cao tốc phía Đông (đoạn Mai Sơn - QL45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây).
Tại các dự án thành phần khác như Nha Trang - Cam Lâm (do PMU đường Hồ Chí Minh quản lý), QL45 - Nghi Sơn (do PMU2 quản lý)…, ông Thể cho hay, vốn nhà nước hỗ trợ dự án đã được bố trí đầy đủ, vì thế các Ban cần phải phối hợp nhịp nhàng với địa phương để khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng, vì đây là khâu quan trọng, công trình “cán đích” nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn ở tiến bàn giao mặt bằng sạch để thi công.
Ngoài ra, chuyện “tiêu tiền” cũng là chủ đề được nói nhiều trong các buổi làm việc giữa Bộ với các PMU. Theo đó, hầu như ở Ban nào, Bộ trưởng GTVT cũng nhắc tới điều này. Thậm chí, mới đây, Bộ còn tuyên bố sẽ “xử” nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời hạ điểm xếp hạng năm 2019 của các PMU, nếu để xảy ra tình trạng giải ngân chậm so với kế hoạch vốn giao.
Ví dụ như ở PMU2, năm nay được giao vốn 1.117 tỷ, đến hết tháng 8/2019 Ban này báo cáo mới giải ngân được 739 tỷ; tương tự, PMU đường Hồ Chí Minh cũng được giao 1.502 tỷ (phần lớn cho cao tốc), nhưng tới nay mới giải ngân được gần 200 tỷ. Nhiều PMU khác của Bộ cũng đang vướng phải tình trạng này…
Thực tế nói trên khiến lãnh đạo Bộ GTVT sốt ruột cũng là điều dễ hiểu vì theo con số mới nhất mà Bộ Tài chính vừa công bố, thì Bộ GTVT đang có tên trong danh sách 29 Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp dưới 40% (tính đến hết tháng 8/2019).
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật (bìa phải) kiểm tra hướng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Bãi Vọt |
Bên cạnh chuyện vốn liếng, ở gốc độ chuyên môn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn đặc biệt nhấn mạnh các đại diện chủ đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cần tỉnh táo, chuẩn xác như những “bộ lọc” để giúp Bộ trong công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tốt nhất tham gia cao tốc.
“PMU đường Hồ Chí Minh cần lưu ý công tác đấu thầu, phải làm chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai việc xét thầu phải căn cứ hồ sơ dự thầu, vì đó là cơ sở pháp lý về những cam kết của nhà thầu với chủ đầu tư.
Chúng ta phải rà soát thật kĩ lưỡng số lượng máy móc, nhân sự… của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu để ngăn chặn triệt để những nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực lọt vào Dự án cao tốc Bắc - Nam”, Bộ trưởng GTVT nhắc đại diện chủ đầu tư trước ngày động thổ khởi công Dự án Cam Lộ - La Sơn - một hợp phần sử dụng hoàn toàn vốn đầu tư công.
Rõ ràng, sự kĩ càng, “nắn nót” đối với dự án này trong giai đoan hiện nay là điều vô cùng cần thiết, bởi khâu này quyết định trực tiếp khâu sau, đó là vấn đề chất lượng, tiến độ con đường - hai yếu tố tạo nên uy tín, hình ảnh của ngành GTVT. Ở đây, các PMU là đại diện chủ đầu tư dự án, là “cánh tay nối dài” của Bộ GTVT ở cao tốc Bắc - Nam, được coi như những người ngoài “mặt trận”, góp phần xây dựng thương hiệu cho cả ngành và cho chính mình.
Mô hình mẫu về giải phóng mặt bằng ở đoạn tuyến cao tốc hơn 20.000 tỷ Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hữu Long - Giám đốc PMU6 cho hay, Bộ GTVT đã quyết định chọn đoạn Nghi Sơn - Bãi Vọt (qua 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) thuộc cao tốc Bắc - Nam để làm mẫu về công tác giải phóng mặt bằng. Đây là những địa phương trước đây có sự phối hợp khá hiệu quả với Bộ GTVT trong công tác này khi triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp QL1. Cũng theo đại diện PMU6, từ ngày 15/6/2019, các đơn vị liên quan đã bàn giao việc cắm cọc giải phóng mặt bằng. Sắp tới, các địa phương sẽ chủ động niêm yết công khai chế độ, chính sách của nhà nước về giải phóng mặt bằng để người dân nắm rõ. Việc đền bù đất dự kiến sẽ diễn ra thuận lợi. Vấn đề được dự báo sẽ mất nhiều thời gian đó là xây dựng các khu tái định cư cho người dân, PMU6 cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện, nhất là địa bàn Nghệ An - nơi sẽ xây dựng khoảng hơn 30 khu tái định cư phục vụ việc di dời dân để khởi công dự án vào tháng 5/2020. |
Tác giả: Võ Tuấn
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam