Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin; Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật…
Về xử lý vi phạm, Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trong quảng cáo mà không có sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng - Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook sẽ bị phạt |
Bên cạnh đó, theo Khoản 1, khoản 2 Điều 32 BLDS 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Tuy nhiên, luật cũng quy định việc sử dụng hình ảnh trong một số trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.
Đó là khi hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
"Đối chiếu quy định trên, trong trường hợp phóng viên báo, đài chụp ảnh nhằm đưa tin tức về các hội nghị, hội thảo hay người dân chụp ảnh tên cướp để đăng lên mạng, công an đăng Lệnh truy nã không cần phải xin phép người có hình ảnh hay người đại diện theo pháp luật của họ" - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, mặc dù Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định xử phạt người tự ý đưa hình ảnh người khác lên mạng xã hội song việc xử lý vi phạm không đơn giản. Bởi hiện nay, điều này diễn ra khá phổ biến. Hơn nữa, việc xác định thế nào là tự ý sử dụng, thế nào là đồng ý cho người khác sử dụng… chưa rõ ràng.
Trường hợp một cá nhân thấy người khác sử dụng hình ảnh của mình đăng lên mạng, đã yêu cầu gỡ bỏ mà họ không thực hiện thì theo Điều 32 BLDS 2015, cá nhân này có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
"Để xử phạt hành vi tự ý đăng ảnh của người khác lên mạng xã hội phải có yêu cầu của người có hình ảnh về việc xử lý. Để quy định này sớm đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể thế nào là “đồng ý”, "tự ý sử dụng"...
Ngoài ra, nhằm tránh bị xử phạt không đáng có, mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội cần tuân thủ quy định, tôn trọng quyền riêng tư của người khác, trước khi dùng hình ảnh của họ phải xin phép một cách rõ ràng, tránh sử dụng bừa bãi, tùy tiện" - Luật sư Thu khuyến cáo.
Tác giả: Huệ Linh
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô