Với dân công sở, sau những giờ làm việc mệt mỏi trên công ty, họ có nhiều cách để thư giãn và xả hơi. Người thì tụ tập ăn uống, shopping với bạn bè, người lại chỉ muốn về nhà nấu ăn và chăm lo cho gia đình. Nhưng cũng không ít người độc thân chọn quán bar, pub làm điểm ghé thăm.
Với họ, rượu hay những đồ uống có cồn sẽ giúp tinh thần thoải mái và giảm căng thẳng. Hơn nữa, khi lên quán bar, pub, họ còn được trò chuyện, tâm sự với những người có cùng hoàn cảnh để sẻ chia tâm tư, nỗi lòng. Tất nhiên cũng chẳng thiếu dân công sở lên bar đơn giản vì họ là một "tay chơi" thứ thiệt.
Hồng Thu là một cô nàng bộ phận truyền thông của công ty X, cô mới vào làm được 6 tháng. Vì sở hữu profile cũng "rất gì và này nọ", như tốt nghiệp trường Đại học danh giá, kinh nghiệm lâu năm nên Thu ứng tuyển vào vị trí trưởng phòng nội dung. Nhưng dường như có một điều gì đó ở cô gái này khiến cho công việc của toàn bộ phận vẫn chưa thực sự vững vàng lắm.
|
Sếp tổng còn hay nghe được lời phàn nàn về Hồng Thu từ những nhân viên khác. Tuy nhiên anh vẫn muốn để Thu thể hiện nhiều hơn nữa, từ đó anh sẽ đánh giá cô về cả trình độ chuyên môn lẫn khả năng lãnh đạo.
Vào tối thứ năm, anh sếp là Nam Trung lên một quán bar nhỏ để uống chút rượu. Tình cờ, anh gặp Hồng Thu cũng đang ngồi uống một mình ở quán. Anh Trung vào quán trước, Thu vào sau. Thấy sếp đang ngồi một mình, Thu tiến lại gần chào hỏi và có ý định mời rượu.
Anh Trung cũng đồng ý và muốn để xem cấp dưới của mình cư xử ra sao. Hai người ngồi chung với nhau trên quầy chỗ pha chế. Thu quay ra hất hàm và lên giọng với nhân viên pha chế "Cu em, cho chị và anh sếp chị hai ly whiskey, nhanh nhé!"
|
Sau đó, anh Nam Trung và Hồng Thu ngồi uống, trò chuyện với nhau về đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Nhưng chủ yếu toàn Thu nói chứ anh Trung muốn lắng nghe và quan sát nhiều hơn. Anh còn muốn để Thu uống say sưa và xem tiếp cô nhân viên này còn làm gì nữa không.
Thu gọi liền mấy cốc, nốc rượu không ngớt và bắt đầu ngà ngà say. Khi say, Thu quay ra tán tỉnh và hỏi chuyện nhân viên pha chế. Cô còn nói những câu mang tính chất miệt thị như "Sao không làm việc khác mà phải đứng pha chế thế này thằng em?"
|
Thấy Thu có dấu hiệu của mất kiểm soát, anh Trung mới dừng việc nói chuyện và ra bắt xe taxi cho cô về nhà.
Bất ngờ xảy ra là ngày hôm sau, Thu đến văn phòng và bị đập ngay vào mặt tờ giấy cho thôi việc đến từ chính anh Nam Trung. Cô tức tối lên chất vấn sếp, rằng vì sao tối qua còn ngồi nói chuyện bình thường mà nay anh lại đưa ra quyết định vô lý đến thế.
Anh Nam Trung nhìn thẳng vào mắt Thu, cười nhếch mép và bắt đầu giải thích:
|
"Em nghĩ tối qua anh cũng say như em mà không để ý chuyện gì hả? Em thử nhớ lại cách em đối xử với bạn nhân viên pha chế tối hôm qua xem? Em đã dùng những từ ngữ gì để miệt thị người ta nhỉ? Lại còn cái thái độ khinh khỉnh tỏ vẻ mình là dân chơi nữa chứ, em nghĩ em thể hiện được với ai thế?
Một người leader tốt, người ta sẽ đối xử với nhân viên hay những ai khác trong xã hội như nhau. Chứ không phải kiểu trong phòng họp một kiểu, trên bar một kiểu đâu em ạ. Thảo nào mọi người feedback về em không tốt. Anh đã cho cơ hội và thời gian thử thách nhưng như thế này là quá đủ rồi Thu ạ. Hi vọng ở môi trường mới em sẽ bớt cái kiểu cá tính thái quá và tôn trọng mọi người hơn!"
|
Nói đoạn, anh Trung yêu cầu Thu ra khỏi phòng. Cô gái trẻ kia ngậm ngùi bước đi trong nhục nhã. Chỉ vì cô muốn thể hiện bản thân cá tính với sếp mà giờ đây đổi lại là bị đuổi việc ê chề.
Câu chuyện này cũng là bài học cho những người đang giữ vị trí lãnh đạo. Nếu là một người sếp tốt, hãy là sếp tốt ở mọi nơi, tức là bạn có cái đầu lạnh và phong thái chuyên nghiệp, lịch sự. Làm như vậy thì ngay cả những ai chẳng phải nhân viên bạn cũng sẽ kính nể, tôn trọng. Đấy là sự khác biệt giữa một người sếp thực thụ và một người sếp giả tạo đó chị em ạ!
Tác giả: Quiry
Nguồn tin: ttvn.toquoc.vn